23/10/2022 10:16
Ông Thạch Song sửa lại giàn gấc sau 03 năm khai thác.
Ông Thạch Song, Ấp 2, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè cho biết: gia đình có 2.000m2 đất ruộng mới cải tạo lên vườn trồng dừa, trong 03 năm đầu được gia đình tận dụng trồng 60 cây gấc. Hiện nay, mỗi tháng gia đình thu hoạch 04 đợt, trung bình từ 100 - 120kg/đợt, với giá bán 9.000 đồng/kg, do trồng gấc chỉ tốn chi phí ban đầu làm giàn cho gấc leo (khoảng 06 - 07 triệu đồng/1.000m2) và thời gian sử dụng trên 05 năm, ông Thạch Song thu trên 25 triệu đồng/năm/0,2ha.
Hiện nay, gấc được triển khai trồng nhiều trên địa bàn các xã Phong Phú, Hòa Ân, Hòa Tân, huyện Cầu Kè; Bình Phú, Phương Thạnh, huyện Càng Long; một số xã của huyện Châu Thành và Cầu Ngang, với diện tích gần 60ha. Trong này, tập trung nhiều ở huyện Cầu Kè với gần 45ha.
Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè, thông qua dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất cây gấc trồng xen cây ngò gai dưới tán lá theo hướng nông nghiệp sạch, liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm”, quy mô liên xã (xã Phong Phú, Hòa Ân) được đầu tư triển khai từ năm 2021. Đây là dự án nhằm hỗ trợ cho các hộ có diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập, với diện tích 20ha (xã Phong Phú có 29 hộ/diện tích 6,8ha; Hòa Ân có 43 hộ/diện tích 13,2ha).
Ông Lư Nhật Trường, ấp Giồng Lớn, xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè cho biết: với diện tích đất giồng cát xung quanh nhà khoảng 2.000m2, được gia đình tận dụng để trồng 100 gốc gấc từ năm 2018 đến nay. Cây gấc mang lại hiệu quả kinh tế khá cao và cho thu nhập ổn định, chi phí đầu tư và công lao động không đòi hỏi nhiều như các cây trồng khác. Sau thời gian khoảng 08 tháng trồng là gấc bắt đầu cho trái; thời điểm trước dịch bệnh Covid-19, giá gấc trên 15.000 đồng/kg, từ đầu năm 2022 đến nay, giá ổn định ở mức 8.000 - 10.000 đồng/kg và mỗi tuần thu hoạch 450 - 500kg gấc.
Cũng theo ông Lư Nhật Trường, để trồng gấc có năng suất cao, hạn chế ruồi, sâu đục trái gây hại... người trồng gấc cần thường xuyên vệ sinh giàn gấc và xử lý tốt các trái gấc rụng. Đối với các trụ làm giàn gấc phải đảm bảo độ vững chắc (có thể sử dụng trụ đá hay cột bê tông), hạn chế sử dụng gốc tre, do trong giai đoạn gấc phát triển và mang trái sẽ làm cho giàn leo dễ bị sập hoặc xiêu vẹo... Bình quân năng suất của diện tích chuyên canh cây gấc (mật độ trồng 1.000 - 1.200 gốc/ha) dao động từ 30 - 35 tấn/ha/năm; diện tích trồng xen canh (mật độ trồng 450 - 500 gốc/ha) đạt từ 15 - 17 tấn/ha; trong này, chi phí thuốc, phân bón chiếm khoảng 05%/tổng thu.
Được biết, hiện nay trái gấc trên địa bàn huyện Cầu Kè được tiêu thụ chủ yếu qua Công ty TNHH Một thành viên Thương mại - Dịch vụ Trúc Lan (Cần Thơ) và Hợp tác xã nông nghiệp Việt Thành (xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè).
Nói về mô hình liên kết trong sản xuất cho người dân trên địa bàn xã, ông Kiên Tâm, Giám đốc điều hành Hợp tác xã nông nghiệp Việt Thành cho biết: bên cạnh dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất cây gấc trồng xen cây ngò gai dưới tán lá theo hướng nông nghiệp sạch, liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm” do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai năm 2021; trước đó, năm 2019, hợp tác xã còn được tham gia qua hỗ trợ của Dự án thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Trà Vinh (AMD Trà Vinh) đã đầu tư cho 100 hộ, với diện tích 20ha.
Như vậy, hiện trên địa bàn xã Hòa Ân có khoảng 35ha diện tích trồng gấc và phía hợp tác xã đảm nhận thu mua cho nông dân, bình quân mỗi tháng thu mua từ 07 - 08 tấn trái gấc. Với giá gấc hiện nay, bình quân người trồng gấc thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.