01/05/2022 17:31
Nông dân xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè xuống giống màu luân canh trên đất ruộng.
Qua trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Kim Nhân, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Trà Vinh, kiêm Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, cho biết: giai đoạn 2010 - 2020, Trà Vinh được đánh giá là một trong những tỉnh tiêu biểu có phương pháp, cách làm chủ động, sáng tạo trong XDNTM. Đến nay, toàn tỉnh đã có 80/85 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 94% số xã (trong đó có 27 xã đạt chuẩn NTM nâng cao); 06 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM (Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long, Châu Thành, thị xã Duyên Hải và thành phố Trà Vinh); 96% ấp NTM (trong đó có 22 ấp NTM kiểu mẫu); hộ NTM đạt trên 93%.
Gần 12 năm XDNTM đã tạo ra “kỳ tích”, nhiều khu vực nông thôn chuyển biến rõ nét trên hầu hết mọi lĩnh vực phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, cải thiện đời sống của nông dân. Đặc biệt, các vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống (tỷ lệ hộ Khmer, giai đoạn 2001-2005 từ 35,57%, giảm còn 0,08% với 805 hộ nghèo đến cuối năm 2021). Nét nổi bật trong XDNTM ở Trà Vinh là nhiều tiêu chí có tỷ lệ đạt cao (trên 70 - 80%), như: thủy lợi, điện, chợ nông thôn, thông tin và truyền thông, lao động có việc làm, giáo dục, y tế, văn hóa,…
Cùng với đó, trong quá trình XDNTM, các địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (sản phẩm OCOP), đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 80 sản phẩm đạt OCOP, cấp tỉnh (trong đó có 05 sản phẩm đạt tiềm năng sản phẩm 05 sao, đã trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ công nhận), nhiều địa phương đang xây dựng xã NTM nâng cao, ấp NTM kiểu mẫu, đường hoa nông thôn, các mô hình bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống…
Thượng tọa Kim Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước huyện Tiểu Cần, Sư cả chùa Kong Poong Đôn (Ô Đùng, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần) phấn khởi, chia sẻ: hôm nay, trong không khí đón Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây của đồng bào Khmer, cũng là dịp xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Qua gần 12 năm triển khai thực hiện phong trào XDNTM, quê hương có sự đổi thay rất lớn, đặc biệt là về diện mạo nông thôn, đời sống của Nhân dân khởi sắc; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong cộng đồng dân cư giảm mạnh, giải quyết việc làm và thu nhập của người dân luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm…
Xác định xây dựng tỉnh NTM là cơ hội tốt thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt là các vùng nông thôn; là động lực quan trọng để tạo bước đột phá mới trong XDNTM, điều đó đã thể hiện kết quả sau thời gian triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Ngày 28/7/2021, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 25/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư cho Chương trình giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu đi vào chiều sâu xây dựng nông thôn kiểu mẫu, nâng cao, ngày 11/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1689/QĐ-TTg về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 25. Đối với tỉnh, với mục tiêu đến năm 2023, có 100% số xã đạt chuẩn NTM; phấn đấu 51% xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 20% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 09/09 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM. Tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ XDNTM trước năm 2025.
Cũng theo ông Huỳnh Kim Nhân, để xây dựng tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn NTM trước năm 2025, trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài tỉnh, cần gắn kết giữa XDNTM với thích ứng biến đổi khí hậu, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Trong này, tập trung vào 07 nội dung, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
(1) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc XDNTM trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua XDNTM, phong trào “Trà Vinh cùng cả nước chung sức XDNTM” bằng những nội dung cụ thể, phù hợp tình hình phát triển của tỉnh.
(2) Huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho Chương trình, lồng ghép hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình hỗ trợ có mục tiêu và các chương trình, dự án khác.
(3) Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ XDNTM, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
(4) Quy hoạch XDNTM cấp xã, quy hoạch xây dựng vùng huyện bảo đảm tính thực tế, khả thi, hiệu quả, phát huy lợi thế của từng địa phương.
(5) Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hoàn thành hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các xã, ưu tiên hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng thiết yếu cho những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã có đông đồng bào dân tộc Khmer.
(6) Tập trung đẩy nhanh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở mỗi địa phương gắn với phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ gắn với kết nối thị trường tiêu thụ; tiếp tục hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới hiệu quả.
(7) Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.