19/06/2022 07:06
Trao đổi với chúng tôi, bà Huỳnh Thị Thúy An, ấp Đầu Bờ, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành chuyên bán trái cây ở chợ Trà Vinh cho biết: khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, hoạt động giao thương hàng hóa của các tiểu thương trở lại trạng thái bình thường, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, gần đây giá xăng tăng cao, nên chi phí vận chuyển cũng như sản xuất tăng theo, giá mặt hàng trái cây các loại theo đó tăng lên dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, nên sức bán giảm so với những tháng trước. Trung bình mỗi ngày bà bán khoảng 80 - 100kg trái cây mãng cầu, măng cụt, chôm chôm, bòn bon, quýt, lợi nhuận từ 120.000 - 150.000 đồng.
Giá nhiên liệu đầu vào tăng cao đã gây áp lực đến sản xuất và tiêu dùng của người dân. Bà Lâm Thị Phương Loan, Khóm 3, Phường 2, thành phố Trà Vinh cho biết: năm trước, vào mùa măng cụt, ngày nào bà cũng mua về cho gia đình ăn, thời điểm đó, giá bán dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, nhưng năm nay giá tăng lên 40.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 65.000 đồng/kg. Vì vậy, mỗi lần đi chợ bà mua một số trái cây các loại có giá bán trung bình.
Tác động của giá nhiên liệu đầu vào tăng đã ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đặc biệt 02 năm gần đây tình hình sản xuất nông sản của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là chịu áp lực nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Khi dịch bệnh vừa được kiểm soát, người dân trở lại cuộc sống trạng thái bình thường mới thì tiếp bị chịu ảnh hưởng do giá phân bón, giá xăng dầu tăng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của nông dân, nhất là khâu vận chuyển vật tư nông nghiệp, trong khi đó giá bán nông sản biến động thất thường. Mặt khác, những nông dân thiếu vốn sản xuất, tái đầu tư vụ mới phải chịu áp lực mua gối đầu vào như vật tư nông nghiệp, giống và thanh toán sau thu hoạch.
Nông dân Thạch Sa Na (trái) thu hoạch đậu phộng.
Nông dân Thạch Sa Na, ấp Sà Vần A, xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú cho biết: với 0,5ha đậu phộng vừa rồi do điều kiện đất đai nên xuống giống chậm hơn những hộ lân cận, đến khi thu hoạch giá bán sụt giảm còn 12.000 đồng/kg, chi phí sản xuất tăng, lợi nhuận đạt hơn 20 triệu đồng. Vụ tiếp theo ông trồng 0,5ha đậu phộng và đậu xanh giống. Đến vụ này, tuy giá đậu phộng tăng cao, nhưng đồng loạt giá nguyên liệu đầu vào tăng theo nên lợi nhuận không nhiều. Với 1.500m2 đậu phộng, sản lượng đạt 1,3 tấn, giá bán 17.000 đồng/kg, lợi nhuận 05 triệu đồng. Trồng màu chủ yếu lấy công làm lời, thời gian tới với tình hình giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tăng cao và kéo dài không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của nông dân mà người tiêu dùng càng khó khăn hơn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tình hình giá nhiên liệu biến động tăng cao không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa của người dân, mà các phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách gặp nhiều trở ngại. Bà Hai Diệu, chủ phương tiện xe buýt Mỹ Quí - Trà Vinh cho biết: mặc dù hiện nay dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt nhưng tình hình hoạt động vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn. So với trước đây, bình quân hàng ngày có 04 phương tiện xe buýt hoạt động, các chủ phương tiện và tài xe đều có thu nhập và cuộc sống ổn định hơn. Khoảng 03 tháng nay, phương tiện xe buýt trên địa bàn giảm từ 04 chiếc xuống còn 01 chiếc nhưng vẫn vắng khách. Do phương tiện xe buýt còn tốn các khoản chi phí đăng kiểm và một số quy định khác nên bà Diệu duy trì hoạt động phương tiện xe buýt 01 tuyến/ngày...
Theo lãnh đạo Sở Công thương Trà Vinh, thị trường, giá, nguồn cung hàng hóa trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo, đáp ứng nhu cầu của người dân, sức mua, sức bán diễn ra bình thường. Đối với mặt hàng xăng, dầu tuy có dao động tăng nhưng nguồn cung ổn định, liên tục, đủ cung ứng cho hệ thống tại các cửa hàng bán lẻ đóng trên địa bàn.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 04 kho chứa xăng dầu với tổng sức 9.100m3; 13 doanh nghiệp phân phối xăng dầu cho hệ thống các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu trên địa bàn tỉnh, hoạt động theo hình thức là thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và tổng đại lý kinh doanh xăng dầu; 326 cửa hàng xăng dầu được cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng, dầu theo quy định.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.