01/01/2022 07:48
Nghề trồng màu của nông dân xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang phát triển mạnh, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập trong XDNTM kiểu mẫu.
Trước khó khăn trên, nhiều địa phương đã xây dựng nhiều giải pháp đồng bộ trong thực hiện và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới (NTM) thông qua các chính sách hỗ trợ vốn, huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng trong chăm lo cho các đối tượng dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19…
Năm 2022, huyện Cầu Ngang phấn đấu xây dựng huyện NTM. Tuy nhiên trong năm 2021, nhiều tiêu chí trong XDNTM của địa phương gặp khó khăn trong tiến độ thực hiện để đạt theo kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch, huyện Cầu Ngang phấn đấu đạt các tiêu chí huyện NTM vào năm 2022 và có 12/13 xã đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2021…
Trao đổi với chúng tôi về nội dung trên, ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang cho biết: trước tình hình khó khăn vừa qua, huyện đã xây dựng các chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19, khi huyện trở lại trạng thái bình thường mới. Mặt khác, lồng ghép Chương trình XDNTM với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tập trung huy động các nguồn lực XDNTM theo hướng xã hội hóa, vốn đóng góp của Nhân dân cũng như sự bảo đảm nguồn ngân sách của nhà nước. Trong năm 2021, có 04 xã đăng ký xây dựng đạt chuẩn xã NTM đều là các xã đang thuộc xã đặc biệt khó khăn, nhất là các tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, nhà ở dân cư; mặc dù, qua khảo sát điều tra đánh giá các tiêu chí này đã đạt, tuy nhiên, chưa thật sự bền vững.
Ông Nguyễn Trường Giang cho biết thêm, thời gian tới, để đảm bảo các tiêu chí huyện NTM năm 2022, Cầu Ngang tập trung giữ vững các tiêu chí đạt và nâng chất các tiêu chí còn hạn chế cũng như tiêu chí chưa đạt. Trong đó, tập trung quan tâm tiêu chí nhà ở, dân cư nhất là những hộ có nhà ở do được hỗ trợ từ Chương trình 135, dù còn đảm bảo theo tiêu chuẩn, tuy nhiên cũng đã xuống cấp. Tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở, vận động xã hội hóa và vận động hộ có điều kiện nhưng chưa xây dựng. Đến nay, trên địa bàn huyện có 12/13 xã có nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng, riêng xã Long Sơn chưa đạt, còn 135 căn nhà tạm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 56,1 triệu đồng (tăng khoảng 3,6 triệu đồng/người/năm so với năm 2020); hộ nghèo khu vực nông thôn là 1,16% (401 hộ/34.450 hộ), tỷ lệ hộ nghèo trung bình của các xã dưới 02%.
Có thể nói, tiêu chí hộ nghèo hiện nay đối với nhiều địa phương trong triển khai thực hiện để xóa nghèo gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những hộ thoát nghèo có nguy cơ tái nghèo do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó là do thiệt hại từ dịch bệnh trong chăn nuôi (viêm da nổi cục, dịch tả heo châu Phi), giá sản phẩm chăn nuôi giảm mạnh… Do đó, để đáp ứng nhu cầu đầu tư trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, nhiều địa phương tập trung thực hiện lồng ghép các nguồn vốn khác nhau. Trong đó, chú trọng xây dựng các giải pháp phát triển kinh tế đặc thù, phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng xã trong huyện; cụ thể như, lồng ghép các dự án nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn vốn xã hội hóa, tập trung đào tạo nghề giải quyết việc làm, đặc biệt là quan tâm đưa lao động ra nước ngoài làm việc góp phần tăng thu nhập cũng như thoát nghèo bền vững…
Năm 2021, trên địa bàn huyện Trà Cú có 12/15 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư (03 xã chưa đạt gồm Ngãi Xuyên, Hàm Giang, Kim Sơn). Mức thu nhập bình quân đầu người năm 2021 là 49,35 triệu đồng/người/năm; 12/15 xã đạt tiêu chí (các xã chưa đạt gồm: Ngãi Xuyên, Kim Sơn và Hàm Giang). Qua rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, toàn huyện còn 182 hộ nghèo, chiếm 0,68% (giảm 1,95% so với năm 2020), hộ cận nghèo 2.562 hộ, chiếm 5,92%; đến nay có 15/15 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo.
Theo ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú: để đạt được kết quả trên, huyện đã tập trung đầu tư vào các mô hình phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; đào tạo nghề và giải quyết việc làm nông thôn... Thông qua nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp và vốn lồng ghép đã đầu tư 06 mô hình, với tổng kinh phí trên 7,5 tỷ đồng. Đồng thời, duy trì và phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn với 03 làng nghề truyền thống; thu hút khoảng 2.956 lao động (trong đó lao động thường xuyên 2.125 lao động, lao động thời vụ 831 lao động), đem lại thu nhập bình quân của các lao động từ 2,5-06 triệu đồng/người/tháng.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.