04/01/2022 13:20
Ngoài chăm lo phát triển kinh tế, người dân xã Hàm Tân vệ sinh nhà cửa, trồng hoa, hưởng ứng hoạt động vệ sinh môi trường, chung tay XDNTM.
Thực hiện 19 tiêu chí XDNTM, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân chung tay thực hiện. Ngoài đầu tư xây dựng hế thống hạ tầng, xã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm, đột phá về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bố trí lại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tập trung chỉ đạo vận động nông dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả.
Năm 2020, chuyển đổi 167,6ha, năm 2021 chuyển đổi 93ha, trong đó, chủ yếu chuyển đất trồng lúa, mía kém hiệu quả sang trồng màu, nuôi thủy sản… Qua chuyển đổi, xuất hiện một số mô hình sản xuất hiệu quả như: nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa của ấp Vàm Ray, Vàm Ray A, Rạch Cá… lợi nhuận bình quân từ 60 - 70 triệu đồng/ha/vụ, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng lợi nhuận bình quân 600-800 triệu đồng/ha/vụ.
Theo ông Tăng Duy Thông, Phó Chủ tịch UBND xã, Hàm Tân có diện tích đất bị xâm nhập mặn khá lớn nên trước đây người dân sản xuất lúa, mía kém hiệu quả, đời sống khó khăn. Từ khi triển khai XDNTM, xã được quan tâm đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp nên hiệu quả ngày càng cao.
Tiêu biểu là được đầu tư thực hiện hệ thống đê bao Nam - Bắc Tổng Long, vừa ngăn mặn, giúp người dân sản xuất hiệu quả vừa xây dựng hệ thống giao thông kiên cố trên tuyến đê bao, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, giúp giảm giá đầu vào, tăng giá bán ra, thu nhập của nông dân tăng lên, đời sống ngày càng được cải thiện. Chính quyền địa phương định hướng cho người dân sản xuất phù hợp theo từng vùng, trong đó, ấp Cà Săng, Vàm Ray, Vàm Ray A là những ấp không bị xâm nhập mặn, sản xuất lúa tôm; ấp Chợ, Cà Hom, Bến Bạ, Rạch Cá tập trung nuôi thủy sản hiệu quả, nhiều nhất là tôm thẻ chân trắng, tôm càng, cua, cá lóc, một số hộ đầu tư nuôi tôm công nghệ cao.
Được biết, trước khi thực hiện đê bao Tổng Long, do ảnh hưởng ngập mặn, người dân chỉ sản xuất được 01 vụ lúa/năm, hiện nay vừa trồng lúa, vừa nuôi thủy sản xen canh, thâm canh nên kinh tế ngày càng phát triển. Thu nhập bình quân đầu người của xã cao hơn bình quân chung của huyện, năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 51,57 triệu đồng, còn 54 hộ nghèo (chiếm 2,26%) và 144 hộ (chiếm tỷ lệ 6,03%), năm 2021, thu nhập bình quân ước đạt 57,6 triệu đồng/người.
Ông Thạch Văn Thuận, Trưởng Ban Nhân dân ấp Cà Săng thông tin: thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, đời sống Nhân dân địa phương phát triển hàng năm. Cụ thể, năm 2010, toàn ấp có 383 hộ, 1.880 nhân khẩu, hộ nghèo thời điểm đó là 124 hộ. Là địa bàn rộng, dân số nhiều hơn các ấp khác nhưng ý thức chung tay XDNTM và chăm lo lao động sản xuất của người dân ngày càng nâng lên.
Đặc biệt, ấp được quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi, nhất là đê bao Tổng Long, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nên người dân đồng tình, cùng hiến đất, hoa màu thực hiện công trình. Hiện nông dân sản xuất được 02 vụ lúa xen canh nuôi thủy sản, máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch thuận lợi nên người dân rất phấn khởi. Việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi được người dân thực hiện phù hợp, kinh tế ngày càng phát triển, người dân đến sinh sống nhiều hơn, đến nay, ấp tăng lên 488 hộ, 2.772 nhân khẩu và chỉ còn 12 hộ nghèo, 20 hộ cận nghèo.
Đảng bộ xã luôn quan tâm chăm lo phát triển kinh tế, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đào tạo nghề, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, giúp người dân nắm vững các quy trình sản xuất, chăn nuôi và áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Triển khai thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất phù hợp, hạn chế rủi ro, giúp tăng thu nhập.
Đồng thời, các ngành, đoàn thể của xã cùng thực hiện các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân trên địa bàn xã. Ngoài ra, làng nghề dệt chiếu xã Hàm Tân, tuy không phát triển nổi bật nhưng vẫn duy trì hoạt động, tạo thu nhập khá ổn định cho người dân nơi đây.
Người dân ý thức và đồng thuận trong quá trình XDNTM, bộ mặt nông thôn khởi sắc, kinh tế gia đình phát triển nên hiến đất mở rộng tuyến hương lộ vào trung tâm xã và các tuyến đường đal, trồng hoa, làm đèn đường góp phần XDNTM. Đặc biệt, tình hình an ninh trật tự ổn định, cuộc sống, sinh hoạt thuận lợi nên người dân rất phấn khởi, tiếp tục chung tay duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM và hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.