20/11/2020 14:43
Xã Hòa Minh tập trung nạo vét các tuyến kênh nhằm phục vụ nuôi thủy sản.
Năm nay, do khô hạn, mặn xâm nhập đã làm 24.130ha lúa bị ảnh hưởng và thiệt hại. Trong đó, mức độ thiệt hại từ 30-70% là 6.344ha, trên 70% là 17.787ha; đối với cây màu, có 77ha, cây công nghiệp ngắn ngày bị ảnh hưởng từ 30-70% là 28ha, trên 70% là 49ha. Riêng cây ăn trái, có 271ha bị ảnh hưởng, mức độ từ 30-70% là 31ha, trên 70% là 240ha. Ngoài ra, do triều cường, cơn bão số 02 đã gây thiệt hại 191 căn nhà, gãy đổ nhiều cây ăn trái, hệ thống điện, mạng viễn thông, hư hại hoa màu, chuồng trại chăn nuôi của Nhân dân... Những thiệt hại trên, đã làm cản trở tiến độ tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh đối với một số vùng, địa phương.
Xuất phát từ thực tế, ngày 20/10/2020, ông Nguyễn Trung Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Quyết định số 3511/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch hiện đại hóa hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh, nhằm từng bước hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, làm cơ sở, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững: chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi trên cơ sở tôn trọng quy luật tự nhiên, lựa chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững phù hợp với thực tế của địa phương; với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; quy hoạch thủy lợi và phòng, chống thiên tai và các quy hoạch khác có liên quan. Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi cả về công trình và phi công trình, hoàn thiện hệ thống thủy lợi, kết hợp với hiện đại hóa công tác quản lý, ứng dụng công nghệ trong theo dõi, vận hành, nhằm phát huy hiệu quả công trình, đảm bảo phục vụ các đối tượng sử dụng nước.
Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi nhằm phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn và XDNTM, chủ động kiểm soát nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh, phòng, chống thiên tai: hạn, mặn xâm nhập, ngập úng... bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH.
Phấn đấu đến năm 2025, kiện toàn, thành lập các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo đúng với Luật Thủy lợi năm 2017; đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi trọng điểm để kiểm soát mặn, nguồn nước. Đến năm 2030, phát triển hệ thống thủy lợi đồng bộ, từng bước hiện đại, thông minh, chủ động phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh trong điều kiện nguồn nước không xuất hiện tình trạng cực đoan, đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp đa dạng, bền vững tại các tiểu vùng sinh thái. Và, đến năm 2050, hoàn thiện hệ thống thủy lợi hiện đại, thông minh, từng bước tự động vận hành; chủ động phòng, chống thiên tai: hạn, mặn xam nhập, ngập úng, thích ứng với BĐKH.
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Trần Trung Kha, Chủ tịch UBND xã Hòa Minh, huyện Châu Thành chia sẻ: là xã cù lao, nằm giữa sông Cổ Chiên, những năm qua, nhờ từng bước hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đã góp phần đẩy nhanh và tạo hiệu quả tích cực trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, nhất là nâng cao giá trị trên cùng diện tích. Do vậy, trong 10 tháng đầu năm 2020, Hòa Minh bàn giao mặt bằng 09 tuyến kênh cấp III, 04 tuyến kênh cấp II; tổng chiều dài 126,3km cho đơn vị thi công. Giám sát tiến độ thi công nạo vét các tuyến kênh cấp III; hoàn thành kênh Kho lương thực, Chợ cũ, Rạch Miễu, Cả Bảy, Mây Dốc, kênh từ cầu Láng Cháy đến nhà ông Phạm Văn Giỏi, ngọn kênh Giồng Dài, kênh dẫn Ông Yển, kênh cấp II Giồng Nhum…
Ông Nguyễn Văn Ưa, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Duyên Hải cho biết: thị xã có 101 kênh thủy lợi, dài 246,8km, trong đó có 06 kênh cấp I; 25 kênh cấp II; 70 kênh cấp III; về cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu cấp thoát nước trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của người dân. Những tháng đầu năm 2020, thị xã đã nghiệm thu kỹ thuật thi công nạo vét kênh Chi bộ, ấp Mù U, xã Dân Thành (giai đoạn II); rà soát, khảo sát thực tế các tuyến kênh thủy lợi nội đồng cần nạo vét để lập kế hoạch nạo vét năm 2021; bàn giao mặt bằng nạo vét kênh Sa Rày, dài 3,972km; nghiệm thu công trình khắc phục sụp lún 750m mặt kè Cồn Trứng; theo dõi tiến độ thi công kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển xã Hiệp Thạnh…
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2020, Sở đã chỉ đạo ngành chuyên môn và địa phương tập trung thực hiện thủy lợi nội đồng và phòng, chống thiên tai, khắc phục ảnh hưởng do hạn, mặn: tổ chức thu gom lục bình trên 211km các tuyến kênh cấp I, II, III, hoàn thành 100% công tác thủy lợi nội đồng: thực hiện 455 công trình, dài 335,581km, khối lượng 791.622m3; tiếp nhận vận hành công trình cống kiểm soát mặn, ngọt Tân Dinh, Bông Bót do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bàn giao; tổ chức 161 đợt kiểm tra đê điều, phát hiện và xử lý 20 trường hợp vi phạm hành lang bảo vệ đê.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện 30 dự án thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, phòng, chống thiên tai và dân sinh; nạo vét 150 công trình kênh cấp II khắc phục hậu quả hạn, xâm nhập mặn; xây dựng và sửa chữa hơn 118km đê sông và đê biển; xây lắp 86 cống, bọng; 11,06km kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển; nạo vét hàng năm khoảng 500 công trình thủy lợi nội đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 01 hồ chứa phục vụ tưới tiêu cho 300ha màu, 411,52km đê (đê biển, đê sông 269,85km; đê bao, bờ bao nội đồng 141,67km); có 1.209 kênh cấp II, dài 2.771km; 150 kênh tạo nguồn và kênh cấp I, dài 809,5km; có 1.670 kênh cấp III và 996 bọng phi các loại; 13,47km kè, 03 trạm bơm điện. Nhìn chung, các công trình thủy lợi của tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu khoảng 90% diện tích đất nông nghiệp (tăng 05% so với năm 2013), bảo đảm nguồn nước hơn 8.000ha nuôi thủy sản (tăng 2.000ha so với năm 2013). |
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.