26/02/2021 07:34
Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, tỉnh Trà Vinh triển khai chính sách hỗ trợ nông dân chuyển đổi đất trồng mía sang các cây trồng, vật nuôi khác hoặc nuôi thủy sản. Mức hỗ trợ cụ thể tùy từng đối tượng chuyển đổi, dao động từ 04-10 triệu đồng/ha. Ngoài mức hỗ trợ này, trường hợp cây trồng, vật nuôi chuyển đổi đáp ứng các điều kiện hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết hoặc các chính sách hỗ trợ khác thì được hỗ trợ thêm theo quy định.
Tỉnh Trà Vinh có vùng mía nguyên liệu tại huyện Trà Cú. Nghề trồng mía là nghề truyền thống, từng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hơn 5.000 hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer của địa phương, với tổng diện tích sản xuất hàng năm hơn 4.000ha. Chính vì hiệu quả này, tỉnh dự định phát triển vùng mía nguyên liệu lên 8.000ha. Tuy nhiên, 04 vụ sản xuất vừa qua bị thua lỗ nặng khiến vùng mía nguyên liệu này liên tục bị thu hẹp. Đến niên vụ mía 2020-2021, vùng mía nguyên liệu Trà Cú tiếp tục giảm hơn 1.700ha so với cùng kỳ; hiện, vùng mía nguyên liệu này chỉ còn hơn 1.400ha.
Thường niên, bước vào tháng 10, nông dân bắt đầu thu hoạch mía và tập trung cao điểm nhất vào tháng 11 đến tháng 12 là kết thúc niên vụ trồng mía. Nhưng những niên vụ gần đây, đặc biệt là niên vụ 2020-2021, thời điểm này nông dân vẫn chưa vào vụ thu hoạch.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết, theo thông báo, Công ty Mía đường Trà Vinh sẽ tiếp nhận thu mua mía nguyên liệu bắt đầu từ ngày 21/02/2021 với giá 1.000 đồng/kg mía sạch tại bàn cân Công ty, cao hơn 200 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Nhưng ngành nông nghiệp huyện dự đoán niên vụ này, người trồng mía vẫn không có lợi nhuận, do năng suất và chất lượng mía giảm đáng kể. Bởi qua 04 vụ sản xuất liên tục bị thua lỗ, nông dân không còn “mặn mà” chăm sóc mía.
Ông Nhan Na Ri, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết, năm 2020, huyện Trà Cú đã chuyển đổi hơn 950ha mía sang các loại cây trồng khác và nuôi thủy sản. Để giúp nông dân chuyển đổi hiệu quả và bền vững, chính quyền địa phương đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ nông dân trên địa bàn các xã Hàm Tân, Kim Sơn, Ngãi Xuyên, Lưu Nghiệp Anh, An Quảng Hữu chuyển đổi 1.500ha trồng mía. Cùng với việc hướng dẫn nông dân về khoa học - kỹ thuật trên những cây trồng, vật nuôi mới, huyện đang tích cực tìm kiếm các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp đầu ra nông sản ổn định, nông dân địa phương yên tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
THANH HÒA
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.