24/01/2024 07:13
Nông dân Thạch Sết (giữa) trao đổi với lãnh đạo UBND xã, Hội Nông dân về hiệu quả mô hình trồng màu trên chân ruộng.
Đồng chí Đặng Ngọc Cất, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Ân cho biết: năm 2023 với sự chung tay, đồng lòng của Đảng bộ và Nhân dân trong thực hiện triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng xã NTM nâng cao, nên các tiêu chí trong XDNTM nâng cao của Hòa Ân đã được Ban Chỉ đạo huyện kiểm tra và đánh giá đạt 19/19 tiêu chí; dự kiến đầu năm 2024, được Ban chỉ đạo cấp tỉnh kiểm tra và công nhận. Việc xây dựng hoàn thành đạt các tiêu chí xã NTM nâng cao góp phần tích cực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; 100% các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 của xã đều đạt và vượt chỉ tiêu.
Đặc biệt, trong các chỉ tiêu lớn như giá trị sản xuất nông-lâm- thủy sản đạt 103,51% so kế hoạch, tăng 9,11% so cùng kỳ. Thu nhập bình quân đạt 69,23 triệu đồng/người/năm, đạt 100,33% so chỉ tiêu. Tỷ lệ hộ nghèo dưới 01% và hộ cận nghèo dưới 02%. Giải quyết việc làm mới cho 320 lao động, đạt 102,56% so chỉ tiêu và hỗ trợ 10/10 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài…
Quan tâm chăm lo phát triển đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn xã Hòa Ân được triển khai đồng bộ, bên cạnh các nguồn vốn hỗ trợ thông qua tín dụng ngân hàng; xã còn tập trung lồng ghép thông qua các dự án của các ngành đoàn thể để đầu tư cho nông dân phát triển sản xuất gắn với phát huy lợi thế về nông nghiệp của xã. Toàn xã có trên 3.026ha đất sản xuất, trong đó, diện tích trồng lúa khoảng 1.000ha/vụ (03 vụ/năm); trên 900ha màu các loại và hơn 800ha cây ăn trái…
Nông dân Thạch Thị So Phất, ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân cho biết: gia đình có 0,2ha diện tích đất trồng lúa; nhờ được hỗ trợ nguồn vốn tín dụng 20 triệu đồng để chuyển sang trồng màu, từ đầu năm 2023, nên các cây màu được gia đình xuống giống, chủ yếu là hẹ, cải ngọt; riêng cây hẹ sau 03 tháng trồng là cho thu hoạch luân phiên (ngày cách ngày) với sản lượng khoảng 20kg hẹ/đợt (kéo dài hơn 08 tháng) và giá bạn hàng đến thu từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Trừ các chi phí, gia đình thu nhập trên 50 triệu đồng/0,2ha, giải quyết việc làm cho 03 - 04 lao động.
Đồng chí Huỳnh Văn Cang, Chi hội trưởng Hội Nông dân ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân cho biết: để phát huy lợi thế về sản xuất nông nghiệp của nông dân trong ấp, thông qua nguồn vốn của Hội Nông dân huyện Cầu Kè đã đầu tư dự án trồng màu cho 14 hộ/03ha/260 triệu đồng; đây là các hộ mới thoát nghèo và có 90% đồng bào Khmer. Thu nhập của các hộ trồng màu trong dự án đạt trên 25 triệu đồng/0,1ha/năm. Từ hiệu quả trên, năm 2024, Chi hội được trên tiếp tục triển khai đầu tư thêm 07 hộ/1,4ha/140 triệu đồng để trồng màu trên đất chân ruộng.
Trong sản xuất nông nghiệp, lãnh đạo UBND xã Hòa Ân còn chú trọng chuyển giao khoa học - kỹ thuật và gắn với xây dựng mã vùng trồng trên những cây trồng đặc sản của địa phương, nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân. Trong lĩnh vực VietGAP, thông qua Hợp tác xã nông nghiệp Việt Thành đã thực hiện mô hình VietGAP trên cây dừa sáp tại ấp Bà My (36,9ha/35 hộ) và truy xuất nguồn gốc cây dừa sáp cho 11 hộ/12,14ha (ấp Bà My). Xây dựng và được cấp mã vùng trồng nội địa trên cây dừa có 12 hộ/12,14ha (ấp Bà My) và đang triển khai xây dựng mã vùng trồng quốc tế xuất khẩu cho 246 hộ trồng dừa/143,48ha (Bà My, Giồng Lớn, Trà Kháo)…
Cũng theo đồng chí Đặng Ngọc Cất, trong phong trào XDNTM đặc biệt là XDNTM nâng cao, địa phương đã tổ chức ra quân dọn dẹp, vệ sinh cải thiện cảnh quan môi trường và trồng 15.250 cây hoa quỳnh anh và điệp Thái trên tuyến đường huyện 29, 32 và Quốc lộ 54, dài 05km… Hàng năm, thông qua công tác vận động thực hiện an sinh xã hội để tặng quà, trao xe đạp cho học sinh, làm cầu nông thôn, cất nhà tình thương với số tiền huy động đóng góp của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm trên 01 tỷ đồng; trong đó trao từ 400 - 500 phần quà cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.