04/09/2020 06:14
Nhà vườn Nguyễn Quang Trực với mô hình chuyển đổi vườn kém hiệu quả sang trồng nhãn xuồng cơm vàng.
Thông tin với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hừng, Chủ tịch UBND xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè cho biết: sau khi chuyển đổi sản xuất và thực hiện đầu tư đồng bộ xây dựng các tuyến đê bao, kênh nội đồng… đã phát huy hiệu quả trong sản xuất. Đặc biệt, giá trị từ kinh tế vườn mang lại tăng gấp 02-03 lần so với trước đây. Trong đó, diện tích nhãn da bò, long nhãn bị chổi rồng nay đã chuyển đổi trên 90% diện tích sang các giống nhãn mới (thanh nhãn, nhãn tím, nhãn xuồng cơm vàng…) và các cây trồng khác, như mít Changai, dừa, xoài…
Trong 08 tháng đầu năm 2020, nhà vườn Hòa Tân đã chuyển đổi gần 90ha vườn kém hiệu quả, đất trồng lúa sang các cây trồng khác. Trong này, chuyển đổi đất lúa sang vườn 5,3ha; cải tạo vườn tạp lên vườn chuyên canh 11ha; chuyển đổi sang trồng dừa và trồng xoài 67,5ha ở các ấp Chông Nô I, Chông Nô II, Chông nô III, Hội An, An Bình. Riêng chuyển đổi các diện tích nhãn kém hiệu quả sang trồng các giống nhãn mới 60ha nhãn xuồng cơm vàng và 15ha thanh nhãn, tập trung ở các ấp An Bình, Hội An và An Lộc; giá trị kinh tế từ các giống nhãn mới mang lại từ 150-200 triệu đồng/ha.
Nhà vườn Nguyễn Quang Trực, ấp An Bình, xã Hòa Tân chia sẻ: trước đây, gia đình tôi trồng chuyên về cây nhãn da bò, diện tích hơn 0,8ha trồng được 270 gốc. Liên tiếp trong 07 năm (từ 2010-2016) do ảnh hưởng bệnh chổi rồng làm giảm năng suất trên 80%; năm 2017 gia đình quyết định chặt bỏ hết nhãn da bò và trồng thay vào 200 cây nhãn xuồng cơm vàng. Từ năm thứ 4 trở đi, năng suất nhãn xuồng cơm vàng sẽ ổn định từ 35-40kg/cây/vụ, giá bán hiện nay dao động từ 25.000-45.000 đồng/kg.
Do chi phí đầu tư nhãn xuồng cơm vàng chỉ bằng 30-40% so với nhãn da bò, công chăm sóc giảm do cây ít sâu bệnh, dễ đậu trái… người trồng nhãn xuồng cơm vàng lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/ha (250 gốc); thời gian đầu, nhà vườn có thể trồng xen giống dừa xiêm để tăng thêm nguồn thu nhập.
Bên cạnh thực hiện chuyển đổi sản xuất gắn với biến đổi khí hậu và nâng cao tỷ trọng giá trị kinh tế vườn của địa phương, xã Hòa Tân còn vận động người dân đầu tư phát triển mô hình du lịch sinh thái và tận dụng các diện tích mương vườn nuôi thủy sản.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hừng, đến cuối tháng 7/2020, trên địa bàn xã Hòa Tân có 02 doanh nghiệp ở Cần Thơ (Công ty Cafatex-Công ty Biển Đông) về đầu tư nuôi cá da trơn và cá lăng ở cồn Bần Chát (ấp An Lộc) với tổng diện tích trên 60ha.
Về đầu tư hạ tầng để phục vụ vùng sản xuất, đã nâng cấp tuyến đường đal vào vùng nguyên liệu dừa ấp Hội An, dài 2,156km, kinh phí 4,08 tỷ đồng và đường đal nối dài giáp tuyến ấp An Lộc, dài 0,894km, kinh phí 1,4 tỷ đồng.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Tỉnh Trà Vinh được tái lập vào tháng 5/1992, với xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng từ thành thị đến nông thôn đều yếu kém và được xem là tỉnh nghèo, có đông đồng bào Khmer, đời sống khó khăn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long lúc bấy giờ. Thế nhưng, bằng quyết tâm chính trị cao, sự nỗ lực của toàn Đảng bộ và quân dân, tỉnh Trà Vinh không chỉ có sự phát triển vượt bậc mà còn là tỉnh đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.