31/08/2020 14:59
CCB Trần Văn Khôi, ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc chăm sóc vườn mít Thái được đầu tư từ mô hình cải tạo vườn tạp của Hội CCB huyện Duyên Hải.
Thực hiện chỉ đạo của Hội CCB tỉnh và Huyện ủy, UBND huyện Duyên Hải về việc cải tạo vườn tạp trong hội viên CCB năm 2020, đồng thời, hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo, Hội CCB huyện triển khai kế hoạch cải tạo vườn tạp cho hội viên CCB xã Ngũ Lạc. Hội CCB xã Ngũ Lạc, có 226 hội viên, trong đó, có 26 hội viên có đất vườn tạp, với tổng diện tích 2,8ha. Phần lớn diện tích vườn tạp thường gắn liền với nhà ở, trồng nhiều loại cây khác nhau, hiệu quả kinh tế thấp, chưa phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của địa phương.
Ngay từ đầu năm, Hội CCB huyện kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải tiến hành khảo sát 03 hộ hội viên CCB cải tạo vườn tạp ở xã Ngũ Lạc, với tổng diện tích 3.500m² vườn tạp được cải tạo, tổng vốn đầu tư khoảng 35,5 triệu đồng; mỗi hộ tham gia mô hình cải tạo vườn tạp được hỗ trợ 05 triệu đồng (thời gian 02 năm hoàn vốn, không tính lãi) và được tư vấn kỹ thuật trồng cây mít Thái. Tháng 5/2020, các hộ xuống giống 280 cây mít Thái, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, sau 03 tháng mít phát triển tốt.
Chúng tôi đến tìm hiểu mô hình cải tạo vườn tạp của CCB Huỳnh Văn Diên, ấp Sóc Ruộng, với diện tích 1.000m², gia đình ông Diên đầu tư hơn 10 triệu đồng để cải tạo đất và mua hệ thống tưới, mô-tơ điện và cây giống... ông Diên phấn khởi nói: “được hỗ trợ vốn cải tạo vườn tạp tôi mừng lắm. Cây mít Thái thích hợp với loại đất cát pha, nếu cây phát triển tốt như hiện nay thì khoảng 18 tháng thì mít sẽ cho trái, ngoài ra, tôi trồng xen cỏ làm thức ăn cho bò”.
CCB Trần Văn Khôi, ấp Thốt Lốt, tham gia cải tạo vườn tạp 1.500m², trồng 120 cây mít Thái, ông Khôi bày tỏ niềm vui: “trước đây, gia đình chỉ tập trung sản xuất lúa, vườn của gia đình để cây, cỏ mọc um tùm. Nay được đầu tư cải tạo vườn trồng mít Thái, gia đình trồng xen cỏ phát triển đàn bò 06 con, ước tính mỗi năm thu nhập từ đàn bò cũng trên 60 triệu đồng, cao hơn nhiều so canh tác 1,1ha lúa của gia đình”.
Ông Dương Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Duyên Hải nói: “có được vốn hỗ trợ cải tạo vườn tạp đối với hội viên là điều kiện rất cần thiết, bởi dùng sức lao động chân tay khai phá cây tạp không đáp ứng nổi mà phải thuê phương tiện nông cụ mới cải tạo được đất. Theo kế hoạch, Hội tiếp tục triển khai cải tạo vườn tạp ở các xã Đôn Châu, Đôn Xuân, đây là những địa phương có diện tích vườn tạp nhiều”.
Vốn là điều kiện cần cho việc phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, Hội CCB huyện chỉ đạo Hội CCB cơ sở, vận động quỹ nội bộ giúp nhau phát triển kinh tế. 07 tháng đầu năm, có 698 hội viên tham gia đóng góp Quỹ Hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế được 39 triệu đồng, nâng nguồn quỹ đến nay được hơn 1,114 tỷ đồng, cho 347 hội viên mượn, vay phát triển kinh tế gia đình. Để tạo điều kiện, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, Hội đưa cán bộ, hội viên tham dự các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, kiến thức làm kinh tế, nâng cao kiến thức về vốn vay sản xuất… đặc biệt, đối với 43 hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp và trang trại, gia trại do hội viên CCB làm chủ. Qua kiểm tra cho thấy, các mô hình phát triển kinh tế của hội viên CCB trên địa bàn huyện hoạt động đều đạt hiệu quả, giải quyết cho 258 lao động có việc làm và thu nhập ổn định.
Hội CCB huyện chỉ đạo Hội CCB cơ sở tiếp tục tổ chức nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác, kinh tế hộ gia đình làm ăn có hiệu quả. Phát triển mới hợp tác xã, tổ hợp tác do CCB làm chủ, vận động cán bộ, hội viên tăng gia sản xuất, kinh doanh giỏi, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Vận động xây dựng Quỹ Hùn vốn giúp nhau phát triển kinh tế, Quỹ Hội hoạt động giúp đỡ hội viên lúc gặp khó khăn… luôn được cán bộ, hội viên CCB đồng tình và tích cực ủng hộ, góp phần giảm nghèo trong cán bộ, hội viên CCB trong huyện.
Bài, ảnh: HUỲNH NỔI
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.