21/10/2021 08:31
Chị Ngô Thị Thắm (phải) trao đổi với cán bộ Hội về hiệu quả của mô hình trồng rau nhút từ đồng vốn của Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển đầu tư.
Có thể nói, thông qua các nguồn vốn được Hội LHPN huyện triển khai trong hội viên như vốn Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển, vốn vay ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tác động tích cực trong việc tạo điều kiện cho các hội viên và phụ nữ tiếp cận nguồn vốn phục vụ vào sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ. Từ đó, đã thu hút được nhiều chị em tham gia vào tổ chức Hội, tích cực cùng với địa phương thực hiện các phong trào hành động cách mạng ở cơ sở…
Trao đổi với chúng tôi, bà Triệu Thị Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Cầu Kè chia sẻ: nhiệm kỳ qua, Hội đã tích cực đồng hành cùng với hội viên nhằm hỗ trợ các nguồn vốn để phát triển sản xuất; riêng đối với các cơ sở, doanh nghiệp do hội viên làm chủ được Hội hỗ trợ từ các nguồn vốn trên 500 triệu đồng. Song song đó, Hội còn thường xuyên tổ chức tập huấn, hội thảo cho các hội viên là chủ các cơ sở, doanh nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và hoạt động khởi nghiệp. Đối với công tác giảm nghèo bền vững, Hội tập trung nâng cao hiệu quả từ các nguồn vốn hỗ trợ cho vay, thường xuyên quan tâm, theo dõi để giúp các hội viên sử dụng vốn hiệu quả nhất...
Điển hình trong hỗ trợ, sử dụng các nguồn vốn vay được Hội LHPN huyện Cầu Kè triển khai trong hội viên, có thể nói từ năm 2017 đến nay, từ khi triển khai Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển, đã mang lại hiệu quả rất lớn và được nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong từng tổ chức cơ sở hội. Mô hình sinh kế theo hướng liên kết bền vững “Trồng rau nhút trên ruộng” ở Ấp 1, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè (17 thành viên, diện tích 2,8ha), chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu; thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển đầu tư đã mang lại thu nhập ổn định cho các thành viên, bình quân đạt 50 triệu đồng/ha/năm.
Chị Ngô Thị Thắm, Ấp 1, xã Phong Thạnh cho biết: trước đây, gia đình thuộc hộ nghèo, từ khi chuyển sang mô hình trồng màu (rau nhút) trên đất ruộng kém hiệu quả, đến nay cuộc sống gia đình đã ổn định. Lúc đầu khi bắt tay vào trồng rau nhút được Chi Hội phụ nữ ấp hỗ trợ cho vay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển từ số vốn vay lần đầu 06 triệu đồng, đến nay đã qua 03 chu kỳ vay, số vốn tăng lên 12 triệu đồng. Với số tiền trên được gia đình đầu tư mua phân bón, cải tạo 0,3ha mặt ruộng và mua rau nhút giống về trồng. Hiện nay, gia đình thu nhập mỗi ngày khoảng 500.000 đồng từ việc bán rau nhút và thời gian kéo dài 07-10 ngày/tháng.
Được biết tại Ấp 1, xã Phong Thạnh hiện có 400 hội viên phụ nữ và thông qua nguồn vốn ủy thác của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội đã đầu tư cho 298 hộ vay (06 tổ tín dụng tiết kiệm), với số tiền trên 6,3 tỷ đồng; cùng với nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển có 60 hội viên được hỗ trợ với số tiền vay trên 669 triệu đồng. Chị Lý Thị Đến, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ Ấp 1 cho biết: nhờ có nguồn vốn trên, đa số các gia đình hội viên sau khi tiếp cận được vốn đã kịp thời đầu tư vào sản xuất như mua phân bón, con giống (gà, vịt...) để mở rộng mô hình kinh tế hộ, góp phần tăng thêm nguồn thu nhập và ổn định cuộc sống.
Cũng theo chị Lý Thị Đến, riêng gia đình cũng được nhận vốn vay ủy thác từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (50 triệu đồng) và 15 triệu đồng từ vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển để đầu tư chăm sóc 01ha lúa và 0,3ha dừa (trong đó có 30% là dừa sáp). Hàng tháng gia đình thu khoảng 3,5-04 triệu đồng từ tiền bán dừa khô và dừa sáp cùng với ươm dừa sáp giống bán (khoảng 400-450 cây sáp giống/năm, thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/năm); với số tiền thu hàng tháng từ cây dừa được gia đình tiết kiệm và thực hiện trả lãi + gốc theo hàng tháng cho Hội, nên sau 01 chu kỳ vay vốn (01-02 năm) gia đình cũng như các hội viên khác không phải lo lắng về số tiền gốc phải gom trả 01 lần vào cuối kỳ vay.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.