21/05/2021 06:06
Bà Thạch Thị Mai thoát nghèo nhờ nguồn vốn ủy thác của Hội LHPN xã.
Xác định hỗ trợ hội viên phụ nữ phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc, Hội LHPN huyện đã có nhiều hoạt động thiết thực, nhằm giúp hội viên phụ nữ mạnh dạn tham gia làm kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống. Năm 2021, Hội LHPN huyện tiếp tục chỉ đạo cơ sở Hội thực hiện hỗ trợ hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ nghèo làm chủ hộ có địa chỉ thoát nghèo bằng nhiều hình thức: hỗ trợ vốn ủy thác, quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển, vốn tiết kiệm tín dụng và các nguồn vốn khác do Hội quản lý; rà soát nắm tình hình hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ có hướng phối hợp hỗ trợ thoát nghèo. Trong quý I/2021, Hội phối hợp giải ngân vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 6,992 tỷ đồng, giúp 313 hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm.
Trường Thọ là xã nghèo của huyện, những năm qua, Hội LPHN xã luôn quan tâm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bằng nguồn vốn ủy thác của ngân hàng và vốn tiết kiệm tín dụng, góp phần đẩy mạnh giảm nghèo trên địa bàn. Bà Thạch Thị Lệ Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Thọ cho biết: nhằm từng bước hỗ trợ phụ nữ vươn lên thoát nghèo, 05 năm gần đây, Hội đã bám sát vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã và nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện các mô hình sản xuất mới như nuôi bò sinh sản. Song song đó, Hội thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân 7,789 tỷ đồng giúp 207 hộ vay, vận động 260 hội viên tham gia 12 tổ tiết kiệm xoay vòng, với số tiền trên 1,1 tỷ đồng.
Gia đình bà Thạch Thị Mai, ấp Căn Nom, xã Trường Thọ đã vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay tín chấp của Hội LHPN, bà Mai nuôi bò sinh sản và trồng 0,7ha lúa. Theo bà Mai, trước đây cuộc sống còn nhiều khó khăn, với 0,7ha đất lúa cha mẹ cho không đủ nuôi sống gia đình, vợ chồng chị đi làm thuê theo mùa vụ để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. 06 năm nay, để cải thiện cuộc sống gia đình và san sẻ gánh nặng cho chồng, được Hội LHPN xã tạo điều kiện bà mạnh dạn vay 20 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư vào nuôi bò. Ngoài tiền vay vốn từ ngân hàng, bà được hỗ trợ gần 04 triệu đồng từ tổ hùn vốn xoay vòng để trang trải chi phí trong mùa vụ sản xuất lúa. Hàng ngày, ngoài việc đưa rước các con đi học, bà tranh thủ cắt cỏ nuôi bò, tận dụng rơm rạ sau thu hoạch để chăn nuôi, nhờ vậy mỗi năm có thêm thu nhập vài chục triệu đồng nhờ bán từ 01 - 02 con bò để trang trải cuộc sống. Sắp tới, ngoài việc tích cực chăm sóc 04 con bò nuôi hiện nay, bà Mai tiết kiệm chi tiêu hợp lý cùng với tích lũy thêm tiền thu nhập làm phụ hồ của chồng, bình quân thu nhập 06 triệu đồng/tháng để xây dựng nhà mới kiên cố hơn.
Đi đôi với phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo, công tác bảo vệ môi trường luôn được các cấp Hội LHPN huyện chú trọng triển khai thực hiện, nhất là phong trào “5 không, 3 sạch”, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng xanh - sạch - đẹp. Đến nay, Hội duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của 76 câu lạc bộ xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” với 1.198 thành viên; có 14.197 hộ hội viên đạt 3 sạch, 12.678 hội hội viên đạt “5 không, 3 sạch”; 09 xã, thị trấn có 85% trở lên hội viên đạt tiêu chí 3 sạch.
Phong trào “5 không, 3 sạch” ở địa bàn xã Mỹ Long Bắc là một trong những phong trào điển hình có sức lan tỏa sâu rộng. Bà Dương Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Long Bắc cho biết: đến nay, 100% hội viên, phụ nữ đăng ký tham gia các phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Đến nay, xã có 1.137 hộ hội viên đạt 8 tiêu chí xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, 06/06 chi hội xây dựng mô hình chi hội “5 không, 3 sạch”.
Bên cạnh đó, mô hình “tuyến đường hoa” được xem là điểm nhấn trong công tác bảo vệ môi trường của xã Mỹ Long Bắc nói chung, phụ nữ xã nói riêng. Đến nay, phong trào trồng hoa và cây xanh đã lan tỏa khắp trên địa bàn xã được hội viên, phụ nữ và Nhân dân trồng dọc các tuyến đường liên ấp và trụ sở UBND. Để góp phần cùng xã thực hiện hoàn thành xã NTM kiểu mẫu, năm 2021, ngoài việc tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” góp phần XDNTM, đô thị văn minh, Hội LHPN xã tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm thúc đẩy kinh tế; vận động chị em có diện tích sản xuất tham gia vào hợp tác xã nông nghiệp tạo liên kết sản xuất đầu vào, đầu ra, tăng thu nhập và lợi nhuận góp phần giảm 11 hộ nghèo, cận nghèo vào cuối năm 2021.
Theo bà Võ Thị Thúy Hằng, Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cầu Ngang, năm 2021 là năm chào mừng Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp, vì vậy, bên cạnh việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, trọng tâm là xây dựng, triển khai các mô hình mới, thiết thực, bám sát với nhiệm vụ chính trị, các cấp Hội đặc biệt chú trọng đến hoạt động hỗ trợ vốn cho hội viên, phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các hội viên, phụ nữ.
Hàng năm, Hội LHPN huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội tiến hành rà soát, nắm chắc hộ hội viên nghèo, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ; qua đó có hướng hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo bằng những việc làm cụ thể, thiết thực phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ như: cho vay vốn phát triển sản xuất, giúp ngày công lao động, cây giống, con giống trong sản xuất nông nghiệp… phát huy tốt vai trò tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, giám sát và phản biện xã hội, xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh, góp phần thực hiện tốt chính sách về bình đẳng giới, an sinh xã hội, tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.