06/01/2022 11:25
Ông Thạch Cộng kiểm tra dừa sáp giống trước khi xuất bán.
Thông qua mô hình dân vận khéo “về phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, gắn với công tác giảm nghèo trong hội viên nông dân” năm 2021, Hội ND huyện Cầu Kè đã tích cực phát động hội viên tham gia thực hiện phong trào ND sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng và giúp nhau giảm nghèo bền vững trong hội viên ND. Qua công tác vận động, tuyên truyền đã có 12.601 hộ đăng ký ND sản xuất, kinh doanh giỏi, qua bình xét công nhận 7.267 hộ đạt danh hiệu ND sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở. Đồng thời, Hội phối hợp tổ chức giúp cho hàng ngàn lượt hội viên được tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, dạy nghề và thực hiện việc tư vấn hỗ trợ ND, nhằm giúp cho người dân an tâm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả hơn.
Cùng với đó, các điển hình tiên tiến về phong trào ND sản xuất, kinh doanh giỏi đã cùng với các cấp Hội tác động tích cực trong việc vận động, tuyên truyền để người dân cùng tham gia thực hiện các mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp. Qua đó, góp phần làm tăng giá trị sản xuất hàng hóa nông sản của ND trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cải tạo vườn tạp, vườn già cỗi… như mô hình Tổ hội nghề nghiệp ở Ấp 1, xã Phong Thạnh về trồng rau nhút trên đất lúa (có 47 thành viên, diện tích 18,6ha), cho thu nhập trên 55 triệu đồng/ha/năm; Tổ hợp tác trồng xoài Tiến Dũng, ấp Hội An, xã Hòa Tân (20 thành viên, diện tích trồng xoài 18,4ha), sau khi chuyển đổi cho thu nhập 520 triệu đồng/ha/năm; Tổ hội nghề nghiệp ấp Giồng Nổi, xã Tam Ngãi chuyên trồng ổi (08 thành viên, diện tích 3,2ha) đã mang lại hiệu quả kinh tế trên 500 triệu đồng/ha/năm.
Điển hình như mô hình của hội viên ND Nguyễn Văn Lũy, ấp An Lộc, xã Hòa Tân. Mặc dù trong tình hình bệnh chổi rồng gây thiệt hại nặng cho các nhà vườn trồng nhãn, với kinh nghiệm của mình và nắm vững kỹ thuật về xử lý cắt tỉa cành, chăm sóc cây nhãn, ông đã làm giàu và vươn lên từ 0,5ha vườn nhãn.
Ông Lũy chia sẻ: do giá nhãn không ổn định, gây tâm lý bất an cho nhà vườn; nhờ kinh nghiệm xử lý cho ra hoa nghịch vụ, kết hợp bón phân đúng thời điểm; nên các vụ nhãn nghịch đều mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Mỗi năm thu vào từ 100-110 triệu đồng/0,5ha. Hiện gia đình tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích trồng giống Thanh Nhãn trên diện tích 2,5ha.
Mô hình trồng dừa sáp của hội viên ND Thạch Cộng (ấp Chông Nô 2, xã Hòa Tân), năm 2015, sau khi gia đình chuyển đổi hơn 03ha đất vườn kém hiệu quả từ cây nhãn bị bệnh chổi rồng và đất lúa sang trồng dừa sáp và chanh, kết hợp với luân canh cây màu theo hình thức “lấy ngăn nuôi dài”. Đây là tấm gương nông dân dám nghĩ, dám làm trong chuyển đổi sản xuất và mô hình trồng dừa sáp của ND Thạch Cộng đã tạo “cú hích” trong nông dân Khmer học tập theo để góp phần duy trì, bảo vệ thương hiệu dừa sáp Hòa Tân. Đến nay, mỗi tháng gia đình ông thu hơn 40 triệu đồng tiền bán dừa khô trái và gần 20 triệu đồng tiền bán dừa sáp.
Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp cùng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho hội viên vay vốn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, tạo thêm việc làm từng bước nâng cao thu nhập; cùng với các nguồn vốn khác như: vốn Quỹ Hỗ trợ ND các cấp, vốn sự nghiệp nông nghiệp, vốn giảm nghèo… đến cuối tháng 12/2021, tổng dư nợ cho vay 118,85 tỷ đồng, có 4.986 hội viên ND vay vốn; 190 hội viên được vay vốn Quỹ hỗ trợ ND, với tổng nguồn vốn trên 3,68 tỷ đồng… Qua đó, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên hiện còn 72 hộ (trong năm năm 2021 có 16 hội viên thoát nghèo). Trong giai đoạn 2017 - 2021, Hội ND huyện đã kết nạp hơn 2.115 hội viên vào tổ chức Hội, nâng tổng số đến nay có 18.099 hội viên, chiếm 86,42% số hộ làm nông nghiệp trên địa bàn; thành lập 03 chi hội nghề nghiệp, có 85 thành viên và trên 547 tổ hội nghề nghiệp được thành lập.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.