14/03/2022 07:51
Anh Trần Văn Minh kiểm tra và xử lý trứng cua đinh. |
Bà Lê Bích Chi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội ND Trà Vinh cho biết: thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh năm 2022, Hội ND tỉnh đã triển khai xây dựng kế hoạch về lĩnh vực kinh tế cho ND trên địa bàn tỉnh, thông qua việc phối hợp với Công ty TNHH Green Powers và Chi hội sinh viên Nông dân Trường Đại học Trà Vinh, sẽ hỗ trợ, giúp ND xác định từng vùng đất, những sản phẩm cây ăn trái chủ lực trong ND như bưởi da xanh, bưởi năm roi, xoài, nhãn và dừa xiêm để triển khai xây dựng vùng nguyên liệu an toàn trên địa bàn 21 xã/06 huyện, thị, thành phố trong xây dựng mã vạch, mã vùng cho vườn cây ăn trái. Nâng cao chất lượng các loại hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, thông qua vốn Quỹ Hỗ trợ ND của Trung ương, tỉnh, huyện và vốn khởi nghiệp từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để đầu tư các dự án/mô hình đã được Hội khảo sát và thẩm định, nếu đủ điều kiện, sẽ giải ngân ngay trong năm 2022.
Ông Trương Thanh Đệ, Chủ tịch Hội ND huyện Cầu Kè cho biết: hiện nay, ở cù lao Tân Qui, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè có các hộ trồng chôm chôm, do ảnh hưởng của nước mặn những năm trước đây, làm thiệt hại rất lớn đến vườn cây ăn trái. Nay các hộ ở cù lao muốn khôi phục lại vườn cây chôm chôm để kết hợp với du lịch; qua chuyến khảo sát của Hội ND tỉnh, phía huyện cũng như địa phương, nhất trí và kiến nghị tỉnh sớm hỗ trợ cho 25 nhà vườn trồng chôm chôm ở cù lao Tân Qui khôi phục lại vườn cây từ nguồn vốn khởi nghiệp.
Được biết, trong năm 2021, Hội ND tỉnh thông qua các nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND, đã đầu tư 61 dự án cho 611 hộ vay, với số tiền hơn 14,5 tỷ đồng. Hỗ trợ nông dân khởi nghiệp thông qua nguồn vốn khởi nghiệp, Hội ND các cơ sở đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư 13 dự án khởi nghiệp cho 200 hội viên, với số tiền 5,7 tỷ đồng. Riêng năm 2022, dự kiến nguồn vốn khởi nghiệp của Hội ND tỉnh khoảng 05 tỷ đồng, sẽ tập trung hỗ trợ đầu tư 12 dự án/mô hình vào các lĩnh vực như: nuôi bò sinh sản, dê sinh sản, nuôi cua đinh, lươn và tôm - lúa ở các huyện Càng Long, Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải.
Mô hình nuôi cua đinh của nông dân Trần Văn Minh, ấp Nguyệt Lãng A, xã Bình Phú, huyện Càng Long đang được Hội ND tỉnh khảo sát, đánh giá nhằm đầu tư nhân rộng cho các hội viên học tập, ứng dụng vào sản xuất. Năm 2018, được Dự án Thích ứng biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long (Dự án AMD) hỗ trợ 40 con cua đinh giống, cùng với số cua đinh của gia đình đã nuôi trước đó; đến cuối năm 2021, số cua đinh của gia đình anh Trần Văn Minh tăng lên trên 200 con cua giống.
Nông dân Trần Văn Minh chia sẻ: nuôi cua đinh đòi hỏi phải chấp nhận đường dài, trong quá trình nuôi phải kèm theo mô hình lấy ngắn nuôi dài, vì người nuôi phải đầu tư sau khoảng 03 năm mới có thu nhập. Hiện nay, giá cua đinh giống dao động 500.000 - 600.000 đồng/con (khoảng 03 tháng tuổi) và cua đinh thương phẩm có giá 600.000 đồng/kg (sau 03 năm nuôi, đạt trọng lượng 4,5 - 05kg/con). Chi phí nuôi cua đinh không lớn (01m2/02 - 03 con cua đinh giống), có thể tận dụng các diện tích bể xi-măng hoặc ao đất để nuôi, nguồn thức ăn ngoài cá tươi sống, có thể tận dụng bổ sung thêm trùng, dế, sâu làm nguồn thức ăn. Tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi khoảng 05%, sau khoảng 1,5 năm nuôi tách đàn để cua đinh sinh sản (tỷ lệ 03 cái/01 đực/hồ). Trung bình 01 con cua đinh đẻ khoảng 10 - 15 trứng.
Cũng theo bà Lê Bích Chi, năm 2022 cũng như thời gian tới, Hội ND tỉnh tập trung xúc tiến thương mại, kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục liên kết, xây dựng kết nối tại các vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm cho ND thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã. Trong này, Hội ND tỉnh chỉ đạo Hội ND huyện Cầu Kè, Càng Long, Châu Thành phối hợp, triển khai cùng với doanh nghiệp để ứng dụng mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ trên cây thanh long, cây lúa, cây ăn trái, rau màu… Trong này, phía doanh nghiệp sẽ thực hiện mô hình sử dụng phân hữu cơ trên lúa, màu (mỗi mô hình 1.000m2); trên cây ăn trái, dừa (25 cây/mô hình), không giới hạn mô hình do nông dân đăng ký.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.