05/06/2023 15:12
Đồng chí Tạ Văn Hải (trái), Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Lợi; đồng chí Thạch Dươne (phải), Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Lợi và ông Thạch Ngọc Thành (giữa), Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Chăng Mật đánh giá hiệu quả mô hình “Hố rác đầu nguồn tại hộ gia đình” của ấp Chăng Mật, xã Hòa Lợi.
Nổi bật, Hội Nông dân xã Hòa Lợi triển khai thực hiện hiệu quả 02 mô hình “Dân vận khéo”: mô hình “Thu gom rác thải nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường nông thôn'' ấp Đa Hòa Bắc và mô hình “Hố rác đầu nguồn tại hộ gia đình” ấp Qui Nông B.
Mô hình “Thu gom rác thải nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường nông thôn'' ấp Đa Hòa Bắc
Ấp Đa Hòa Bắc, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành là xã thuần nông, diện tích đất tự nhiên trên 161ha, trong đó, diện tích đất nông nghiệp có 110ha; ấp có 266 hộ, dân tộc Khmer chiếm 95,06%.
Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang diễn ra khá bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của Nhân dân. Đặc biệt, vấn đề xử lý vỏ chai, lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp chưa được quan tâm, vứt bừa bải ở đồng ruộng, kênh rạch... gây ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng.
Từ thực trạng trên, Hội Nông dân xã Hòa Lợi xây dựng mô hình “Thu gom rác thải nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường nông thôn''. Đây là việc làm quan trọng liên quan trực tiếp đến hội viên và nông dân. Qua đó, Hội Nông dân chỉ đạo tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Thực hiện Kế hoạch số 149/KH-HNDT, ngày 06/6/2018 của Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh xây dựng mô hình “Dân vận khéo” về vệ sinh môi trường tại các đô thị, khu dân cư trong việc thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 28/12/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Hòa Lợi tuyên truyền, vận động, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kế hoạch của các cấp Hội về công tác bảo vệ môi trường nông thôn và xây dựng chi, tổ hội vững mạnh.
Theo đó, Hội Nông dân xã Hòa Lợi triển khai được 22 cuộc, có 550 cán bộ, hội viên, nông dân tham gia. Đồng thời, triển khai thực hiện mô hình “Thu gom rác thải nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường nông thôn'' Hội Nông dân xã Hòa Lợi chọn ấp Đa Hòa Bắc làm điểm chỉ đạo. Kết quả, đã tổ chức tuyên truyền được 11 cuộc, với 210 lượt hội viên nông dân tham dự. Từ đó, làm chuyển biến về nhận thức, tạo được đồng thuận trong cán bộ, hội viên, nông dân, trong việc bảo vệ môi trường.
Đồng chí Thạch Dươne, Phó Chủ tich Hội Nông dân xã Hòa Lợi phấn khởi cho biết, lúc chưa thành lập câu lạc bộ, trong sản xuất, người dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vỏ chai, bao bì đựng thuốc vứt bừa bải ở các cánh đồng, bờ ruộng, dòng kênh, mương, rạch. Từ khi mô hình được thành lập, đi vào hoạt động, thông qua công tác tuyên truyền, vận động, người dân ý thức bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định. Ngay trong năm đầu thành lập mô hình (2018), Hội đã vận động hội viên và Nhân dân đóng góp 5,3 triệu đồng lắp đặt 08 điểm thu gom rác thải nông nghiệp và 04 điểm thu gom rác thải sinh hoạt gia đình; thực hiện thu gom rác thải và vệ sinh môi trường được 12 cuộc, có 175 lượt người tham gia.
Nhận thức lợi ích của việc thực hiện mô hình, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Hòa Lợi tiếp tục nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn xã, do Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp làm tổ trưởng. Đến nay, 06 mô hình “Thu gom rác thải nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường nông thôn'' của 06 Chi hội Nông dân trong toàn xã, với tổng số 44 thành viên tham gia hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực.
Năm 2022, các chi hội đã thu gom khoảng 2,5 tấn rác thải sinh hoạt; 1,5 tấn rác thải nông nghiệp, khơi thông dòng chảy kênh, mương dài 3,2km; trồng và chăm sóc 01 tuyến đường hoa dài trên 1,7km, phát quang bụi rậm hai bên các tuyến đường nông thôn dài 4,6km; xây dựng 01 tuyến đường xanh - sạch - đẹp và bảo đảm an toàn giao thông, với chiều dài 0,5km, góp phần tạo cảnh quan thông thoáng.
Ngoài ra, Hội còn vận động người dân chăn nuôi làm chuồng trại xa nhà, tận dụng thức ăn thừa trong chăn nuôi ủ làm phân vi sinh bón cho cây trồng, vận động xây dựng 15 hầm biogas tránh gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường, nhất là việc xử lý rác thải rắn thuốc bảo vệ thực vật.
Đồng chí Tạ Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Lợi đánh giá, mô hình “Thu gom rác thải nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường nông thôn'' trên địa bàn xã là một mô hình bền vững và tạo được sức lan tỏa trong toàn huyện, đồng thời được Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Mô hình “Hố rác đầu nguồn tại hộ gia đình” ấp Qui Nông B
Đồng chí Thạch Dươne, Phó Chủ tich Hội Nông dân xã Hòa Lợi kiểm tra bể chứa rác thải nông nghiệp tại ấp Qui Nông A.
Ấp Qui nông B, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành có 465 hộ, dân tộc Khmer chiếm 96,77%. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Chi hội Nông dân ấp có 09 tổ hội, với 237 hội viên. Những năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường luôn là nỗi lo của chính quyền và người dân địa phương. Việc bảo vệ môi trường nông thôn là điều cần thiết. Cán bộ, hội viên nông dân gương mẫu trong bảo vệ môi trường và là những tuyên truyền viên tích cực vận động Nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại địa phương.
Thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện Châu Thành về việc chỉ đạo xây dựng mô hình bảo vệ môi trường nông thôn; sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự hỗ trợ nhiệt tình của các ban, ngành xã, năm 2022, Ban Thường vụ Hội Nông dân xã Hòa Lợi xây dựng mô hình “Hố rác đầu nguồn tại hộ gia đình” và chọn ấp Qui Nông B làm điểm chỉ đạo. Bước đầu thực hiện mô hình, có 21 hộ đăng ký với công ty thu gom rác thải sinh hoạt và 17 hộ đăng ký thực hiện xây dựng hố rác tại hộ gia đình.
Ngoài ra, Hội phát động hội viên nông dân trong toàn xã đăng ký được 437 hộ làm cơ sở cho việc nhân rộng mô hình ở những năm tiếp theo. Trong năm, Hội đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện mô hình trên địa bàn toàn xã được 12 cuộc, có 360 lược cán bộ, hội viên, nông dân tham gia. Từ đó, làm chuyển biến về nhận thức, tạo được đồng thuận trong cán bộ, hội viên và Nhân dân.
Thấy và nhận thức lợi ích của mô hình, cùng với sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Hội Nông dân các cấp, sự hỗ trợ của ban, ngành các cấp về thực hiện mô hình, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Hòa Lợi mạnh dạn, sáng tạo lồng ghép tuyên truyền, vận động xây dựng hố rác tại hộ gia đình gắn với bảo vệ môi trường nông thôn. Bước đầu, Hội Nông dân xã vận động hội viên được 3,75 triệu đồng đầu tư mua các trang thiết bị phục vụ cho việc thu gom rác thải sinh hoạt tại nhà. Qua đó, lắp đặt 15 điểm thu gom rác thải sinh hoạt tại gia đình; đồng thời, thường xuyên vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường ở các tuyến đường liên xóm được 05 cuộc, có 75 cán bộ, hội viên và người dân tham gia, góp phần tạo cảnh quan thông thoáng, sạch, đẹp.
Qua 01 năm hoạt động, mô hình đã liên kết hội viên, nông dân, mang tính tập trung, thống nhất thực hiện vệ sinh môi trường và xây dựng hố rác tại gia đình. Tạo sự đồng thuận trong cán bộ, hội viên nông dân, tạo sức lan tỏa và thu hút người dân tham gia. Từ đó, mô hình được duy trì và nhân rộng các ấp còn lại trên địa bàn xã, hưởng ứng thực hiện bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao tiêu chí NTM, tiến tới xây dựng xã NTM nâng cao.
Năm 2022, Hội Nông dân xã Hòa Lợi phát động 437 hộ hội viên, nông dân trên địa bàn xã đăng ký công ty thu gom rác thải sinh hoạt, 296 hộ xây dựng hố rác tại nhà. Đồng thời, phối hợp với quân sự, công an xã chăm sóc và quản lý 01 tuyến đường xanh, sạch tại các ấp Chăng Mật, ấp Truôn và ấp Qui Nông A, với chiều dài 1,45km. Ông Thạch Ngọc Thành, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Chăng Mật phấn khởi nói: “thực hiện xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tôi thấy rất thiết thực và cần thiết”.
Đồng chí Tạ Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Lợi cho biết, hiệu quả từ các mô hình đã khẳng định vị thế, vai trò trong công tác Hội và phong trào nông dân, nhất là đối với công tác dân vận, phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa hội viên với hội viên và giữa hội viên với Nhân dân tại địa phương cùng chung sức xây dựng xã Hòa Lợi hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao trong những năm tới.
Bài, ảnh: HUỲNH NỔI
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.