18/03/2023 15:16
Một góc sân chơi của học sinh Trường Mẫu giáo thị trấn Long Thành.
Theo đồng chí Trương Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải: để thực hiện đạt huyện NTM, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đồng thời tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao của người dân. Đến nay, các tuyến đường trục chính, đường ngõ xóm, đường nội đồng đã được nhựa hóa, bê-tông hóa. Các trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa,... đầu tư khang trang, đồng bộ. Ngoài các tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm ngày càng có nhiều đổi thay rõ rệt và đã đạt chuẩn theo bộ tiêu chí NTM. Dọc các tuyến đường nông thôn, nhiều ngôi nhà khang trang, thiết kế hiện đại, hàng rào ngõ sáng - sạch- đẹp, tạo điểm nhấn về cảnh quan môi trường của huyện NTM.
Hệ thống giao thông nông thôn trên được bê-tông hóa, nhựa hóa 428,99km; hệ thống thủy lợi khai thông, mở rộng khoảng 110 tuyến kênh, góp phần đảm bảo phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt là đã cơ cấu lại ngành nông nghiệp và mở rộng diện tích nuôi thủy sản trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi 1.461ha đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi thủy sản; đồng thời, chuyển 729,6ha diện tích nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, bán thâm canh sang nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao, lợi nhuận bình quân đạt trên 03 tỷ đồng/ha/năm, cao hơn 17 lần so hình thức nuôi truyền thống. Bình quân hàng năm có 30.640 lượt hộ nuôi các loài thủy sản trên 9.719ha mặt nước. Nuôi các loài nhuyễn thể trên sông, bãi bồi ven sông, ven biển được đầu tư mở rộng. Khai thác, đánh bắt thủy sản ở một số xã ven biển góp phần tăng tổng sản lượng thủy sản. Giá trị sản phẩm bình quân đạt 303 triệu đồng/năm/ha, tăng 73 triệu đồng so với năm 2016.
Song song đó, lĩnh vực trồng trọt khu vực xã Đôn Xuân, Đôn Châu, Ngũ Lạc phát triển mạnh, với tổng diện tích lúa hơn 3.565ha. Huyện đang hướng tới mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ. Phát triển chuỗi giá trị lúa chất lượng cao theo hướng nông nghiệp sạch quy mô liên xã. Từ năm 2016 đến nay, các địa phương trong huyện đã chuyển đổi 1.117ha đất lúa kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng màu và ứng dụng khoa học - kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản phẩm bình quân đối với đất trồng trọt 133 triệu đồng/năm/ha, tăng 42,5 triệu đồng so với năm 2016.
Cùng với đó, ngành chăn nuôi cũng góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế. Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có 215.988 con. Chính sách hỗ trợ cơ cấu lại ngành chăn nuôi đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi, giảm dần các hộ nuôi nhỏ lẻ, hình thành các hộ nuôi với quy mô trang trại, gia trại. Mặt khác, việc đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đã từng bước làm thay đổi tập quán trong sản xuất, kinh doanh, giúp người nuôi chủ động trong chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh và ổn định đầu ra.
Đồng chí Trương Văn Huy cho biết thêm: cùng với đó, ở lĩnh vực công nghiệp - thương mại, xây dựng, nhiều doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh cá thể thành lập mới, hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả; lao động làm việc tại doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh cá thể mang lại thu nhập cao cho người dân trên địa bàn huyện... góp phần tăng thu nhập bình quân đến cuối năm 2022 đạt 61 triệu đồng/người/năm.
Song song đó, huyện phối hợp triển khai thực hiện nhiều dự án phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo hỗ trợ các đối tượng thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội. Phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện chú trọng hỗ trợ vốn vay phát triển sản xuất, đa dạng nguồn vốn tín dụng cho hộ nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận nguồn vốn vay, các chương trình, dự án để phát triển sản xuất; hướng dẫn hộ nghèo có điều kiện tăng gia sản xuất, thúc đẩy kinh tế gia đình, góp phần giảm hộ nghèo của huyện còn 453 hộ.
Kinh tế tập thể chuyển biến tích cực cả về số lượng, chất lượng, đa dạng ngành nghề, lĩnh vực. Vốn góp cổ phần của hợp tác xã (HTX) thành lập mới cao hơn so với nhiều năm trước, trách nhiệm và quyền lợi của thành viên trong tham gia quản lý điều hành HTX được đảm bảo. Hiện trên địa bàn huyện có 11 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 524 thành viên, tổng vốn điều lệ 5,245 tỷ đồng. Đi đôi với hoạt động HTX, các chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực quản trị, điều hành và hoạt động của HTX.
Điển hình như HTX nông nghiệp Long Khánh là một trong những HTX hoạt động hiệu quả, góp phần đáng kể trong liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp đối tác thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị gắn với thị trường trong, ngoài tỉnh.
Quy trình nuôi tôm công nghệ mật độ cao của HTX nông nghiệp Long Khánh.
Theo ông Ngô Văn Đệ, Giám đốc HTX nông nghiệp Long Khánh: HTX hiện hoạt động lĩnh vực nuôi và cung cấp dịch vụ thủy sản đã chủ động liên kết với công ty, doanh nghiệp cung cấp giống, thuốc, hóa chất, thức ăn, vật tư đầu vào và ký hợp đồng mua bán tôm thương phẩm đảm bảo ổn định giá đầu ra cho các thành viên đã tiết giảm được chi phí và gia tăng lợi nhuận cho các thành viên từ 07 - 10%.
Có thể nói, từ huyện ven biển, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng yếu kém, đến nay Duyên Hải đã chuyển mình mạnh mẽ. Huyện có 06/06 xã được công nhận xã NTM, trong đó có 02 xã Long Vĩnh và Đông Hải được công nhận xã NTM nâng cao. Đây là tiền đề để huyện tập trung XDNTM toàn diện, từng bước thay đổi bộ mặt của địa phương theo hướng khang trang, hiện đại gắn với nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.