13/02/2024 11:15
Người dân Khmer xã Hàm Giang, huyện Trà Cú thu hoạch bí đỏ, phấn khởi đầu tư phát triển kinh tế gia đình từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất.
Nhờ sự quan tâm chăm lo đặc biệt, đời sống người dân vùng đồng bào Khmer Trà Cú đã đổi thay rõ nét. Đến các xã Long Hiệp, Tân Hiệp, Hàm Giang, Hàm Tân, Kim Sơn… chúng ta sẽ cảm nhận những thay đổi tích cực cùng niềm vui “an cư lạc nghiệp” của đồng bào Khmer nơi đây. Theo đó là sự biết ơn của đồng bào Khmer đối với sự chăm lo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn 1, từ năm 2021 - 2025) theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 1719). Cùng với quá trình XDNTM và các chính sách hỗ trợ của Chương trình 1719, diện mạo phum sóc ngày càng khởi sắc, cuộc sống đồng bào Khmer từng bước đủ đầy, bản sắc dân tộc được bảo tồn, phát huy tinh thần phấn khởi.
Thực hiện Chương trình 1719, năm 2023, huyện Trà Cú đã giải ngân gần 15 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho 360 hộ Khmer, đến nay, cơ bản hoàn thành gần 330 căn, hỗ trợ chuyển đổi nghề 65 hộ (650 triệu đồng), nước sinh hoạt 27 hộ (80 triệu đồng). Bên cạnh, đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc với gần 16,6 tỷ đồng, đầu tư xây dựng 16 công trình (11 công trình đã bàn giao đưa vào sử dụng), duy tu 08 công trình (trên 1,1 tỷ đồng). Ngoài ra, thực hiện dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động vùng dân tộc thiểu số, tạo phấn khởi trong Nhân dân, là động lực giúp những hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Bà Thạch Thị Lệ, ngụ ấp Xoài Lơ, xã Lưu Nghiệp Anh rất vui khi có được căn nhà mới bởi nhiều năm gia đình thuộc diện hộ nghèo, nhà xuống cấp, mưa dột thường xuyên nhưng không có tiền xây lại nhà mới. Đầu năm 2023, gia đình bà được xét hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà và hỗ trợ vay 46 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển sản xuất. Bà Lệ bày tỏ: được căn nhà vững chắc cả gia đình tôi rất mừng. Tôi rất biết ơn sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với đời sống gia đình tôi. Giờ không còn lo nhà dột nữa, tôi cố gắng làm để lo cuộc sống, cho con đi học và trả nợ ngân hàng.
03 năm gần đây, thực hiện Chương trình 1719 và nhiều hoạt động hỗ trợ khác, đời sống đồng bào Khmer của Trà Cú phát triển nhanh, tỷ lệ giảm nghèo cao. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2023, toàn huyện giảm 927 hộ nghèo (đạt 125,15% kế hoạch), hiện còn 1.011 hộ nghèo (chiếm 2,33% so với tổng số hộ dân cư toàn huyện) và còn 1.216 hộ cận nghèo, chiếm 2,8%. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 62,66 triệu đồng/năm (tăng 5,06 triệu đồng/người/năm so năm 2022). Hiện Trà Cú đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận huyện nông thôn mới đúng theo lộ trình đề ra.
Trồng hoa màu là một trong những mô hình sản xuất chủ lực của đồng bào Khmer Trà Cú.
Đồng chí Trần Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Trà Cú cho biết: thực hiện Chương trình 1719 đã có nhiều dự án, chương trình sớm phát huy hiệu quả. Các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh được đầu tư, nhiều vấn đề khó khăn cấp thiết của đồng bào Khmer đang từng bước được giải quyết, nhất là việc được hỗ trợ xây dựng nhà ở khang trang, hỗ trợ chuyển đổi nghề, tạo điều kiện cho nhiều hộ thoát nghèo. Xuất hiện những mô hình điển hình về thoát nghèo bền vững của đồng bào Khmer, tạo động lực để huyện đạt các chỉ tiêu xây dựng huyện nông thôn mới. Khẳng định chủ trương đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là phong trào có ý nghĩa nhân văn, được Nhân dân đồng tình ủng hộ, đồng thời khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.
Bài, ảnh: ANH KHOA
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.