25/05/2023 07:12
Khẩu hiệu tuyên truyền bảo vệ môi trường ở ấp Tân Thành, xã Long Khánh.
Đồng chí Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Long Khánh chia sẻ: Để XDNTM nâng cao, Long Khánh kiện toàn ban chỉ đạo cấp xã và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nội dung tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM. Long Khánh tập trung rà soát, đánh giá lại tất cả các tiêu chí, đối với những tiêu chí đã đạt theo tiêu chí NTM nâng cao thì tiếp tục hoàn thiện, nâng chất, đối với những tiêu chí chưa đạt thì đánh giá kỹ về tỷ lệ % đạt được, nhận định về điều kiện, cơ sở… để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Long Khánh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, hội viên đoàn thể và Nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của hoạt động XDNTM nâng cao để hội viên đoàn thể và Nhân dân hiểu và cùng tham gia với các cấp chính quyền trong XDNTM. Qua công tác tuyên truyền, nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hội viên và Nhân dân được nâng lên; cán bộ, hội viên và Nhân dân đã tích cực tham gia với chính quyền địa phương trong XDNTM với nhiều hoạt động thiết thực. Người dân đã hiến trên 61.000m2 đất xây dựng đường nông thôn, đóng góp kinh phí, ngày công xây dựng cột cờ, cột đèn, tham gia nạo vét kênh nội đồng, tham gia ngày thứ Bảy tình nguyện, Chủ nhật xanh làm vệ sinh môi trường với hàng ngàn ngày công lao động.
Long Khánh tập trung thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương. Thế mạnh trong phát triển kinh tế của Long Khánh là nuôi trồng thủy sản, toàn xã có trên 4.234ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, có 3.683ha đất nuôi trồng thủy sản, hàng năm có khoảng 2.860 lượt hộ thả nuôi các loại thủy sản như tôm, cua, cá… với diện tích trên 2.460ha mặt nước. Địa phương cũng tập trung phát triển nuôi các loài nhuyễn thể trên sông, bãi bồi ven sông được đầu tư mở rộng, hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản ven biển góp phần tăng sản lượng thủy sản cho địa phương. Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 của Long Khánh đạt gần 9.000 tấn. Người dân mạnh dạn chuyển đổi sản xuất từ hình thức nuôi tôm sú quảng canh cải tiến, bán thâm canh sang hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh mật độ cao, đến nay toàn xã có khoảng 50ha mặt nước trên 400 ao nuôi.
Chính quyền địa phương, các đoàn thể cũng tập trung vận động người dân phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả. Đến nay, xã thành lập 03 hợp tác xã nông nghiệp với 80 thành viên, vốn điều lệ trên 2,2 tỷ đồng và 27 tổ hợp tác với trên 340 thành viên. Các lĩnh vực như: lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng được địa phương khuyến khích đầu tư, phát triển. Toàn xã có 351 cơ sở kinh doanh mua bán, các cơ sở đã giải quyết việc làm cho gần 800 lao động tại địa phương.
Hệ thống giao thông trong ấp được quan tâm đầu tư, từ năm 2020 đến nay Long Khánh được đầu tư 12 tuyến đường, với tổng số vốn 25,92 tỷ đồng, các tuyến đường liên ấp được cứng hóa, có các hạng mục cần thiết theo quy định như biển báo, biển chỉ dẫn, đèn chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh… đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp đạt trên 80%. Địa bàn xã Long khánh có 19 tuyến kênh thủy lợi cấp I và cấp II với tổng chiều dài 49,2km và 10 tuyến kênh cấp III với chiều dài gần 59km, các tuyến kênh được đầu tư nạo vét hoàn chỉnh đảm bảo chủ động được nước phục vụ sản xuất và dân sinh.
Long Khánh cũng tập trung phát triển về văn hóa, y tế và giáo dục, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa và chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Toàn xã có 1.763/1.799 hộ được công nhận gia đình văn hóa, chiếm 98% so số hộ có mặt địa phương, toàn xã có 06 ấp được công nhận ấp văn hóa, NTM và 01 ấp (ấp Đình Cũ) được công nhận ấp NTM kiểu mẫu, địa bàn ấp Đình Cũ không còn hộ nghèo.
Đồng chí Nguyễn Thị Nguyệt Nga, Bí thư Chi bộ ấp Đình Cũ chia sẻ: ấp chọn mô hình thực hiện các tuyến đường hoa, tuyến đường sáng - xanh - sạch, đẹp trong ấp và xây dựng các tuyến đường liên ấp hết lầy lội để xây dựng ấp NTM kiểu mẫu. Đến nay, các tuyến đường trong ấp đều được trồng hoa kiểng hai bên đường, các tuyến đường có cột cờ, hệ thống đèn chiếu sáng vào ban đêm. Các tuyến đường liên ấp được đal hóa hoặc được đổ đá cấp phối giúp cho việc đi lại dễ dàng thuận lợi trong cả hai mùa mưa nắng. Ngoài ra, ấp đã vận động thành lập được 10 tổ nuôi tôm theo tiêu chuẩn Oganic của châu Âu, với quy mô 160 hộ, diện tích nuôi tôm trên 700ha.
Hệ thống trường lớp và trang thiết bị dạy học, trên địa bàn xã Long Khánh được quan tâm đầu tư, hiện xã có 03 cấp học với 01 trường mẫu giáo, 01 trường tiểu học và 01 trường THCS. Qua kết quả kiểm tra đánh giá về cơ sở vật chất cuối năm 2022, Trường Mẫu giáo Long Khánh có cơ sở vật chất đạt mức độ 1, Trường Tiểu Long Khánh có cơ sở vật chất đạt mức độ 2, Trường THCS Long Khánh có cơ sở vật chất đạt mức độ 1, Trường Tiểu học Long Khánh được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Trong lĩnh vực y tế, Long Khánh có 01 Trạm y tế, cán bộ nhân viên có trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt nhiệm vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu, đáp ứng được việc sơ cấp cứu, thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia,... xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế.
Sau thời gian triển khai đồng bộ các mặt công tác XDNTM, đến cuối năm 2022, Long Khánh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng xã NTM nâng cao. Các công trình, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư, bộ mặt nông thôn của địa phương được cải thiện và nâng lên. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng lên, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2022 đạt 64,89 triệu đồng/năm. Kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo cuối năm 2022, toàn xã Long Khánh chỉ còn 45/1.802 hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ 2,49% so tổng số hộ dân toàn xã.
Bài, ảnh: THANH NHÃ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.