04/07/2022 10:55
Ông Nguyễn Văn Út (trái) và ông Phan Thanh Điền (phải), Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Toàn kiểm tra thức ăn cho tôm.
Xã Long Toàn, thị xã Duyên Hải có diện tích tự nhiên 3.220,7ha. Trong đó, có 2.228ha đất nuôi thủy sản, 315ha đất trồng cây lâu năm, còn lại đất khác. Toàn xã có 06 ấp, với 1.482 hộ, 5.454 nhân khẩu; Nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nuôi thủy sản, một số ít hộ sống bằng nghề dịch vụ và mua bán nhỏ. Toàn xã còn 11 hộ nghèo, chiếm 0,74% và 82 hộ cận nghèo, chiếm 5,53% so với số hộ chung. Hiện Đảng ủy, UBND xã Long Toàn huy động toàn hệ thống ra sức vận động người dân nâng cao chất lượng xã nông thôn mới nâng cao.
Ông Phạm Hải Âu, Bí thư Đảng ủy xã Long Toàn cho biết: trước năm 2017, cụm từ “nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao” rất xa lạ với nông dân. Nhưng từ những năm 2018 - 2019, chỉ từ 01 - 02 hộ nuôi, nhưng sau khi nuôi có hiệu quả, số hộ tăng liên tục. Năm 2020, có 78 hộ chuyển đổi 195ha diện tích, với 212 ao nuôi theo hình thức siêu thâm canh mật độ cao; sản lượng đạt hơn 3.000 tấn/năm. Đến năm 2021, có 93 hộ nuôi với 237 ao, diện tích chuyển đổi 218,5ha, so với năm 2020 tăng 15 hộ, tăng 25 ao, diện tích chuyển đổi tăng 23,5ha. Đến nay, toàn xã có 134 hộ, với 323 ao, diện tích chuyển đổi 298,8ha, so với năm 2021 tăng 41 hộ, tăng 86 ao diện tích chuyển đổi tăng 80,3ha, dự kiến sản lượng cuối năm đạt gần 4.000 tấn.
Với thế mạnh là xã có tuyến Quốc lộ 53, Hương lộ 81, Lộ số 1 vào Khu Kinh tế Định An ngang qua và cặp sông Long Toàn, nên thuận lợi cho việc trao đổi mua bán hàng hóa của Nhân dân, kích thích phát triển kinh tế, cũng như thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trên địa bàn. Đặc biệt, việc vận động Nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thuận lợi và hiệu quả.
Chúng tôi cùng ông Phan Thanh Điền, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Toàn đến thăm hộ ông Nguyễn Văn Út, ngụ ấp Long Điền. Đây là hộ nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao hiệu quả nhiều năm. Ông Nguyễn Văn Út cho biết: năm 1998 - 1999, nơi ông nuôi tôm hiện nay là vùng đất sản xuất lúa, năng suất bình quân từ 1,8 - 02 tấn/ha (chỉ sản xuất 01 vụ/năm). Thời điểm đó, chủ yếu khai thác tôm, cá tự nhiên, thông qua hình thức đặt xà-ngôn. Đến năm 2000, bắt đầu nuôi tôm thả lan, đến năm 2013, phong trào nuôi tôm trên địa bàn xã phát triển mạnh, một số người dân nuôi tôm theo hình thức công nghiệp. Tuy nhiên, gia đình không đủ vốn để quy hoạch ao nuôi...
Ông Nguyễn Văn Út cho biết thêm: hưởng ứng chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, được UBND xã vận động chuyển đổi, năm 2018, tôi quyết định vay 05 tỷ đồng để quy hoạch ao nuôi theo hình thức siêu thâm canh mật độ cao. Đến nay, tôi có 10 ao nuôi siêu thâm canh mật độ cao, từ năm 2018 đến nay, mỗi năm nuôi 02 vụ, vụ năm 2018 do năm đầu, chưa kinh nghiệm, nên thất bại, từ năm 2019 đến nay, mỗi năm lợi nhuận khoảng 10 tỷ đồng/02 vụ. Hiện nay, ông Út đang tiếp tục quy hoạch thêm 06 ao.
Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị trên địa bàn xã có nhiều thuận lợi. Trong đó, Long Toàn tập trung thực hiện các điều kiện cần thiết để vận động Nhân dân phát huy thế mạnh nuôi thủy sản. Theo đó, hiện Long Toàn có 16,2km đường dây trung thế, 56 trạm biến áp, 19.132kVA; 45,19km đường dây hạ thế; điện đã đảm bảo phục vụ sinh hoạt sản xuất của Nhân dân; toàn xã hiện có 1.471/1.482 hộ sử dụng điện thường xuyên đảm bảo an toàn, chiếm 99,26% so với tổng số hộ.
Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với nâng chất xã nông thôn mới nâng cao của Long Toàn đã đi đúng hướng. Đảng ủy, UBND xã đã thực hiện thành công phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân góp và dân thụ hưởng”; tập trung thực hiện các tiêu chí nâng cao đời sống của Nhân dân, vừa tạo khí thế phấn khởi cho Nhân dân. Từ đó, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh theo chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sử dụng đất hiệu quả.
Xã Long Toàn có hướng đi phù hợp và vững chắc, các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được giải quyết đồng bộ; đúng với tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó, nông dân là chủ thể của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế hộ, trên cơ chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện của xã và từng lĩnh vực để sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, trong đó phát huy nội lực là cơ bản, đồng thời ứng dụng các khoa học, công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp, nông thôn.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.