11/08/2024 09:07
Thời gian qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện Tiểu Cần chú trọng thực hiện. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đến nay huyện Tiểu Cần đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.
Huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với các cơ quan chuyên môn, ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh kết nối việc làm cho người lao động; thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thông tin cho các xã, thị trấn để cung cấp cho người lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, giới thiệu việc làm… Qua đó, góp phần định hướng, giúp người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp, là cầu nối giữa các doanh nghiệp tuyển dụng lao động và người lao động.
Chú trọng công tác phối hợp với các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Phối hợp, thông tin đến các xã, thị trấn những phiên giao dịch việc làm, sàn giao dịch việc làm… Từ đó, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Trà Vinh, Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, UBND các xã, thị trấn và các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức 14 cuộc tư vấn giới thiệu việc làm trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động, có trên 940 học sinh và người lao động tham dự.
Trong 06 tháng đầu năm 2024, đã tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho 3.045/3.000 lao động làm việc trong và ngoài tỉnh, đạt 101,5% (tăng 18 lao động so cùng kỳ). Đồng thời, tổng hợp thông tin thị trường lao động để chia sẻ, cung cấp kịp thời cho người lao động; thường xuyên thông báo các chương trình tuyển dụng để người lao động đủ tiêu chuẩn tham gia đi xuất khẩu lao động. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp đưa 222/145 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng lao động (Nhật Bản 206 lao động, Vương quốc Ả Rập Xê Út 01 lao động, Đài Loan 15 lao động), đạt 153,10%, tăng 38 người so cùng kỳ.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức 06 lớp sơ cấp nghề và 01 lớp dạy nghề dưới 03 tháng, có 187 học viên. Phối hợp với Doanh nghiệp tư nhân Ái Liên và UBND xã Ngãi Hùng tổ chức 01 lớp đào tạo nghề trang điểm thẩm mỹ trình độ sơ cấp, có 27 học viên.
Mô hình đan đát giúp các thành viên Tổ hợp tác đan lục bình của Chi hội Phụ nữ ấp Nhơn Hòa, xã Tân Hòa tăng thu nhập cho gia đình.
Bà Đặng Thị Nguyệt, ấp Nhơn Hòa, xã Tân Hòa chia sẻ: trước đây, thu nhập của gia đình chỉ dựa vào nghề làm thuê và huê lợi từ 01 công vườn dừa, tổng cộng hơn 01 triệu đồng/tháng nên cuộc sống rất khó khăn. Từ khi tham gia lớp dạy nghề đan đát do Hội Liên hiệp phụ nữ xã phối hợp ngành chức năng tổ chức, mỗi tháng tôi có thêm từ 1,5 - 02 triệu đồng, cuộc sống ổn định hơn nhiều.
Còn bà Nguyễn Thị Ơn cùng ấp Nhơn Hòa cũng thu nhập ổn định khoảng 02 triệu đồng/tháng nhờ nghề đan đát. Bà Ơn chia sẻ: lúc trước cả hai vợ chồng đi làm phụ hồ để mưu sinh nhưng không ổn định, khoảng 02 năm nay tôi học được nghề đan đát từ các chị em hội viên trong ấp nên nhận nguyên liệu về đan tại nhà, đồng thời, tôi chuyển sang buôn bán nhỏ để có thêm thu nhập, phát triển kinh tế cho gia đình.
Đồng chí Lê Hồng Phượng, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Hòa cho biết: phong trào “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới” đã lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia. Qua đó, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của hội viên và người dân địa phương.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội đã thành lập mới 01 Tổ hợp tác đan lục bình có 10 thành viên tại ấp Nhơn Hòa; đồng thời củng cố 05 tổ 41 thành viên, nâng tổng số đến nay Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Hòa có 06 Tổ hợp tác theo Nghị định số 77/NĐ-CP, ngày 10/10/2019 của Chính phủ với 54 thành viên của 04 ấp: Nhơn Hòa, Cần Tiêu, Sóc Dừa, Cao Một. Hiện 100% các Tổ hợp tác được đầu tư nguồn vốn trên 200 triệu đồng (chủ yếu từ vốn Dự án Tổ chức Liên minh Na uy), mỗi thành viên được vay từ 05 - 06 triệu đồng thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, mua bán nhỏ...
Đồng chí Đinh Vũ Đạt, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tiểu Cần nhấn mạnh: việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn là chủ trương đúng, hiệu quả và rất phù hợp với địa phương. Người lao động dược tự do lựa chọn ngành, nghề phù hợp cho dù đó là nghề chính hay nghề phụ đều mang lại thu nhập cho gia đình. Thông qua các tổ, nhóm người lao động tiếp nhận nhanh và tốt hơn các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tinh thần đoàn kết dược phát huy rộng rãi và tạo ra nhiều việc làm ở nông thôn.
Thời gian tới, để thực hiện tốt công tác đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn với mục tiêu giảm nghèo bền vững; huyện tập trung vào công tác tuyên truyền, vận động người dân đặc biệt là các đối tượng trong độ tuổi lao động để họ hiểu rõ các chủ trương, chính sách cũng như ý nghĩa và hiệu quả khi tham gia các lớp đào tạo nghề để có việc làm ổn định.
Bên cạnh đó, huyện cũng tăng cường khảo sát các đối tượng có nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm, phân loại theo nhóm để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tích cực phối hợp với các đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài huyện tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm để 100% lao động sau đào tạo có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.