15/08/2021 15:13
Mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng lúa - khoai môn sáp- bắp của nông dân xã Đại An, huyện Trà Cú.
Phum, sóc ở Trà Vinh hiện nay không còn cảnh mưa sình, gió bụi. Hệ thống giao thông nông thôn các xã được thông thương, đường nối liền đường. Cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, nhiều ngôi nhà mới khang trang. Diện mạo phum, sóc không ngừng được “ thay da đổi thịt”.
Khi chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân XDNTM, đồng bào Kinh, Khmer, Hoa ai nấy đều hưởng ứng, chung sức đồng lòng. Nhiều hộ tự nguyện hiến đất làm đường, mỗi gia đình tự xây dựng nếp sống văn hóa; tham gia nạo vét, nâng cấp các tuyến kênh nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; cùng chính quyền vận động các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng cầu bê- tông… nhờ vậy, bộ mặt phum, sóc ở Trà Vinh được cải thiện đáng kể.
Giai đoạn 2016 - 2020, người dân trong tỉnh đã hiến đất, cây cối, hoa màu với tổng số tiền hơn 215 tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn. Từ khi những tuyến đường phum, sóc được bê-tông hóa, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân rất thuận lợi. Do đó, hàng nông sản địa phương được thương lái thu mua giá cao hơn trước, nông dân rất phấn khởi.
Trà Cú là huyện nghèo vùng sâu của tỉnh Trà Vinh, có trên 62% đồng bào Khmer sinh sống. Chính vì vậy, nhiều năm qua, các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật để giúp dân nâng cao mức sống. Trong công tác XDNTM, địa phương chú trọng giải pháp giảm nghèo, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt. Thời gian qua, huyện Trà Cú rất tích cực đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ hộ nghèo cải thiện thu nhập. Nhiều mô hình giảm nghèo của huyện đã chứng minh hiệu quả, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Điển hình như mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng lúa - khoai môn sáp - bắp của Tổ hợp tác sản xuất ấp Giồng Lớn A, xã Đại An, huyện Trà Cú đã giúp nhiều hộ Khmer cải thiện thu nhập, thoát nghèo bền vững. Cây khoai môn sáp sau hơn 04 tháng trồng cho thu hoạch, với năng suất khoảng 20 tấn/ha, nông dân đạt lợi nhuận từ 150 - 200 triệu đồng.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, đến nay ấp Giồng Lớn A chỉ còn 08 hộ nghèo, giảm gần 200 hộ nghèo so với năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của ấp hiện đạt 48 triệu đồng/năm, tăng 30 triệu đồng/năm so với 05 năm trước. Thấy được hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân trong ấp chuyển đổi sản xuất và mở rộng diện tích trồng khoai môn sáp lên hơn 40ha.
Cùng với việc hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Trà Cú còn hỗ trợ các làng nghề trên địa bàn phát triển sản xuất để tạo việc làm cho người dân. Huyện có 3 làng nghề gồm: Làng nghề sản xuất các sản phẩm từ tre, trúc, tầm vông xã Hàm Giang; Làng nghề đan đát xã Đại An và Làng nghề dệt chiếu Cà Hom, xã Hàm Tân. Các làng nghề này đã giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động nông thôn, với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 06 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, cơ sở sản xuất Trì Cảnh của Làng nghề sản xuất các sản phẩm từ tre, trúc, tầm vông có sản phẩm bộ salon tre được UBND tỉnh Trà Vinh công nhận đạt OCOP 4 sao, ngành chức năng đang hỗ trợ cơ sở nâng hạng lên 5 sao. Các sản phẩm nông thôn thu nhỏ của hộ kinh doanh Diệp Thị Trang ở Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đại An đạt chứng nhận OCOP 3 sao…
Bí thư Huyện ủy Trà Cú Dương Văn Triệu cho biết, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo, đời sống của người dân địa phương được nâng lên đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm từng năm. Năm 2020, huyện Trà Cú xóa được hơn 700 hộ nghèo. Năm 2021, địa phương đặt mục tiêu xóa 863 hộ nghèo.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, hơn 10 năm Trà Vinh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Tỉnh có 72/85 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó 69 xã đã được Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Toàn tỉnh có 05/09 đơn vị được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn và hoàn thành XDNTM. Thành quả này, không chỉ có sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng xã hội mà có sự chung tay, góp sức lớn của Nhân dân; trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số.
Phát huy kết quả đạt được, tỉnh Trà Vinh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, khoảng 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 08 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Để thực hiện đạt mục tiêu, tỉnh giao nhiệm vụ cho ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương tích cực hỗ trợ nông dân; nhất là các hộ Khmer chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng thu nhập hơn nữa. Mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất bình quân đất trồng trọt đạt 145 triệu đồng/ha và đất mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 380 triệu đồng/ha, tăng 15 - 20 triệu đồng/ha so với giá trị đất sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Trong kế hoạch nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị sản xuất đất nông nghiệp, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực từ các chính sách của Trung ương dành hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số; nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư hạ tầng kỹ thuật; xây dựng những mô hình sản xuất ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới cho thu nhập cao để chuyển giao cho đồng bào Khmer; góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.