13/04/2023 15:56
Suốt thời gian trò chuyện với tôi, nụ cười rạng rỡ không ngớt trên môi của bà Phạm Thị Nhung (ấp Huệ Sanh, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh). Bà Nhung rất vui: giờ ra đường là có xe, đường đal, đường nhựa, có đèn sáng trưng. Trong nhà, có đầy đủ điện, nước sinh hoạt; làm vườn, làm rẫy sung sướng gấp trăm lần so với trước đây, vì có hệ thống tưới nước, bón phân thông minh, không phải oằn mình, mỏi cổ vì phải gánh nước tưới từng gốc cây, luống màu. Cuộc sống bây giờ khá đầy đủ, thoải mái...
Bà Phạm Thị Nhung rất vui với việc phát triển kinh tế vườn ở vùng quê NTM hiện nay.
Trong hành trình xây dựng xã nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu ở Long Đức không chỉ những công trình mới, những ngôi nhà mới liên tiếp “mọc lên” làm thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng đổi mới, phát triển, mà ở đây còn có những con người mới với tư duy, lối sống mới để cùng xây dựng thành công xã NTM, NTM kiểu mẫu.
Bởi, trong những cuộc trò chuyện với người dân xã Long Đức, tôi như được chứng kiến những thay đổi, phát triển ở từng con đường, ngõ xóm; ở từng nhà, từng người... khi đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên rõ rệt. Trong đó, có những chia sẻ của bà Phạm Thị Nhung, nông dân ở ấp Huệ Sanh, xã Long Đức: tôi nay đã 60 tuổi; về làm dâu ở ấp này từ năm 22 tuổi, tôi thật sự rất vui vì được chứng kiến những thay đổi, phát triển ở đây. Nhớ hồi đó, đi ra một bước toàn đường đất, sình lầy. Trong nhà, đèn dầu le lói; nước sinh hoạt, ăn uống, toàn múc dưới đập lên lóng phèn. Còn trồng rẫy mùa nắng này thì... trời ơi, khổ lắm!
Bà Nhung tiếp: gia đình tôi hiện trồng 500 trụ thanh long, trồng nhiều loại rau màu theo thời vụ, dưới ao liếp thì nuôi cá thát lát, cá sặc rằn. Nghe nhiều vậy chứ nhờ được đầu tư máy móc, công nghệ... nên khâu chăm sóc khỏe re.
Xác định xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là một chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài, từng bước phải đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực, phù hợp với điều kiện, nguồn lực của địa phương, đến nay xã Long Đức đã được UBND thành phố Trà Vinh xác nhận hoàn thành nâng chất lượng 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025.
Tính đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 70,68 triệu đồng/năm. Ngày 17/3/2023, đoàn công tác của tỉnh đã đến thẩm định xã Long Đức đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Đồng chí Lê Quốc Nam, Chủ tịch UBND xã Long Đức cho biết: hiện vẫn chưa có quyết định công nhận, nhưng qua quá trình phấn đấu xây dựng, xã đã tổ chức tự đánh giá đạt chuẩn NTM kiểu mẫu 04/04 tiêu chí chung.
Trong đó, phải kể đến những mô hình NTM tiêu biểu góp phần cho bộ mặt nông thôn Long Đức ngày càng khang trang, sạch đẹp hơn, như: tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn (tuyến đường 30/4); mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” ở ấp Long Đại do Đoàn Thanh niên xã thực hiện; Hội Cựu chiến binh xã có “Câu lạc bộ môi trường” tại 12/12 ấp; Hội Liên hiệp phụ nữ xã với mô hình “Phụ nữ tự phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình”, “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni-lông và sản phẩm nhựa dùng một lần”, “Biến rác thải nhựa thành tiền”; mô hình xây dựng tuyến đường hoa tại các ấp Sa Bình, Công Thiện Hùng, Vĩnh Hưng, Vĩnh Yên, Vĩnh Hội với tổng chiều dài trên 10km...
Và, việc xây dựng “mô hình ấp thông minh”, xã Long Đức đã chọn ấp Phú Hòa để thực hiện. Đồng chí Võ Thị Huyền Trân, Trưởng Ban Nhân dân ấp Phú Hòa cho biết: đến nay, qua kết quả rà soát, thống kê cho thấy, toàn ấp có 1.902/2.312 người dân sử dụng thiết bị điện tử thông minh, như điện thoại di động, máy tính bảng, laptop, chiếm tỷ lệ 82,2%. Thông qua đó, người dân có thể tiếp cận được thông tin về chủ trương, chính sách, an ninh trật tự, kỹ thuật, thủ tục hành chính. Hoặc có thể thanh toán tiền điện, tiền nước... trên app điện thoại thông minh, cổng thông tin điện tử Trà Vinh, mạng xã hội chính thống. Trong năm 2022, có 257/319 hồ sơ của người dân ấp Phú Hòa nộp trực tuyến đến UBND xã để giải quyết thủ tục hành chính, đạt 80,5%.
Riêng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ấp chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi, đến nay, người dân địa phương có sự thay đổi, phát triển rõ nét. Cụ thể, trong sản xuất nông nghiệp, có quan tâm ứng dụng công nghệ: áp dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt; sử dụng phân vi sinh tưới nhỏ giọt (điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh)...
Quan tâm nâng cao thu nhập cho người dân, nhiều công trình dự án đã được triển khai, các mô hình phát triển kinh tế cũng đã phát huy hiệu quả. Đặc biệt là công tác giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần tăng thu nhập cho người dân, nâng mức thu nhập bình quân của xã đạt 70,68 triệu đồng/người/năm. Hiện, xã còn 06 hộ nghèo (thuộc diện bảo trợ) chiếm tỷ lệ 0,17 % .
Năm 2022, trên địa bàn xã phát triển mới 23 doanh nghiệp, hiện toàn xã có 179 cơ sở, công ty, doanh nghiệp, tăng 23 công ty, doanh nghiệp so cùng kỳ; có 12.728 lao động, tập trung các ngành hàng như xây dựng, sản xuất hóa chất, dây điện, vật tư ngành in, may mặc, giày da, vật liệu xây dựng, than gáo dừa, xay xát lúa…
Nông nghiệp xã Long Đức cũng đã phát triển theo hướng đa dạng hóa các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị gắn với sản phẩm chủ lực (gà thịt và cây dừa). Xã có 04 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP từ 03 sao trở lên và đều có website, thực hiện mua bán trên web của công ty...
Với quan điểm xây dựng xã NTM ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, có cơ cấu kinh tế hợp lý, có quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Long Đức đang và sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, NTM kiểu mẫu, phấn đấu cho bộ mặt nông thôn của xã về kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, hệ thống chính trị của xã ngày càng vững mạnh; phấn đấu 12/12 ấp của xã đều được công nhận là ấp NTM kiểu mẫu.
Bài, ảnh: HÀ THANH
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.