16/10/2021 09:12
Với đặc điểm về địa lý của 02 xã cù lao Long Hòa và Hòa Minh, huyện Châu Thành nằm giữa sông Cổ Chiên, hàng năm thường chịu tác động của 02 mùa nước mặn và ngọt. Trong những năm qua, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã tác động rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân nơi đây. Sau khi được tỉnh và huyện triển khai xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 02 tuyến đê bao tả, hữu sông Cổ Chiên, đã góp phần chủ động ngăn triều cường, ngăn mặn phục vụ đa mục tiêu trong sản xuất. Để nâng cao tỷ trọng giá trị trong sản xuất nông nghiệp (lúa và nuôi thủy sản) gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH đang được người dân 02 xã cù lao Long Hòa và Hòa Minh tập trung hướng đến thông qua sản phẩm “Lúa, gạo hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh” kết hợp với nuôi thủy sản.
Mô hình sản xuất “Lúa, gạo hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh” trên cánh đồng lúa - tôm của nông dân ấp Xẻo Ranh, xã Long Hòa, huyện Châu Thành.
Từ năm 2009, khi tuyến đê bao tả, hữu sông Cổ Chiên (dài hơn 23km) hoàn thành và đưa vào sử dụng, cũng là thời điểm người dân nơi đây bắt tay vào sản xuất lúa 01 vụ kết hợp với nuôi thủy sản, nhờ chủ động được nguồn nước và triều cường trong mùa mưa (sản xuất lúa) và kết hợp nuôi tôm. Hàng năm, công tác nạo vét, gia cố các công trình thủy lợi vừa đáp ứng với nhu cầu mở rộng sản xuất lúa - tôm, vừa góp phần giảm thiểu các tác động ảnh hưởng do BĐKH gây ra được huyện, địa phương tập trung triển khai thi công.
Trong năm 2021, riêng xã Long Hòa đã triển khai nạo vét hoàn thành tuyến kênh cấp II và 16 tuyến kênh cấp III trên địa bàn các ấp: Rạch Giồng, Rạch Sâu, Xẻo Ranh, Rạch Gốc, Bùng Binh, Hai Thủ. Năm 2022, dự kiến tập trung tiếp tục nạo vét 23 kênh cấp III (dài 12,12km), 15 kênh cấp II (dài 21,9km)…
Nông dân Nguyễn Minh Lạc, ấp Xẻo Ranh, xã Long Hòa cho biết: năm 2015, gia đình bắt đầu tham gia sản xuất lúa hữu cơ (gạo sạch) có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm như Công ty Hồng Tin (Thành phố Hồ Chí Minh) và sau đó đổi thành Công ty Thương mại dịch vụ du lịch Minh Trung. Riêng vụ lúa thu-đông 2020, gia đình sản xuất 0,6ha với giống lúa ST24 (doanh nghiệp bao tiêu với giá 12.500 đồng/kg), đạt năng suất 05 tấn/ha và kết hợp thả 02 vụ tôm càng xanh.
Vụ 1, giai đoạn lúa + tôm thả 6.000 con giống. Vụ 2, từ tháng 2 đến tháng 8 (không trồng lúa) thả nuôi chuyên tôm càng xanh, mật độ tăng, với 10.000- 15.000 con giống. Với giá bao tiêu hiện nay, người trồng lúa hữu cơ ở cù lao Long Hòa - Hòa Minh thu nhập 40- 45 triệu đồng/ha/năm (năng suất bình quân khoảng từ 05- 5,2 tấn/ha) cùng với nguồn thu từ con tôm càng xanh khoảng 70- 120 triệu đồng/ha.
Nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa ở vùng đất cù lao Long Hòa - Hòa Minh, từ năm 2010 đến nay thông qua việc liên kết với các doanh nghiệp và công ty trong và ngoài tỉnh đầu tư gắn với bao tiêu sản phẩm cho nông dân sản xuất lúa theo hướng hữu cơ phục vụ cho thị trường xuất khẩu đã dần mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với sản xuất lúa truyền thống. Nơi đây đang áp dụng sản xuất mô hình trồng lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ đã và đang được ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh áp dụng và nhân rộng. Đây là 01 trong 13 mô hình trồng trọt được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh đánh giá hiệu quả ở cả 03 tiêu chí: kinh tế, xã hội và môi trường.
Hợp tác xã Tiến Thành hiện đã thực hiện thành công mô hình luân canh nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa hữu cơ. Đảm bảo gạo sạch, an toàn, nhiều dinh dưỡng, có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, với mô hình sản xuất lúa hữu cơ, sử dụng 100% chế phẩm vi sinh trong chăm bón và bảo vệ lúa, giúp bảo vệ môi trường, an toàn trong khâu sản xuất cũng như đảm bảo sản phẩm sạch để cung ứng cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, những năm qua, sản phẩm hạt gạo sạch của vùng đất cù lao Long Hòa - Hòa Minh, huyện Châu Thành thường phụ thuộc khá nhiều vào thương hiệu của các công ty, doanh nghiệp liên kết đầu tư.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nhanh, Chủ tịch UBND xã Long Hòa, huyện Châu Thành cho biết: trong suốt thời gian dài, mặc dù sản phẩm lúa hữu cơ của vùng đất cù lao Long Hòa - Hòa Minh được chứng nhận là sản phẩm sạch, đạt chứng nhận lúa hữu cơ, nhưng chưa xây dựng nhãn hiệu tập thể về sản phẩm “Lúa, gạo hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh”, từ đó việc người dân hay địa phương muốn phát triển sản phẩm này cũng gặp khó do phụ thuộc vào các đối tác liên kết với nông dân để sản xuất.
Hiện nay, địa phương đã được Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành hỗ trợ xác lập xây dựng nhãn hiệu tập thể “Lúa, gạo hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh” và tập huấn, hướng dẫn mô hình quản lý và phối hợp quản lý nhãn hiệu tập thể.
Theo đó, Hợp tác xã Tiến Thành là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể “Lúa, gạo hữu cơ Long Hòa-Hòa Minh” và trực tiếp thực hiện công tác quản lý, kiểm soát việc sử dụng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Lúa, gạo hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh” theo quy định của Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Long Hòa - Hòa Minh”. Đây sẽ là động lực để địa phương và người dân trên địa bàn phát huy hiệu quả, cũng như nâng cao giá trị của sản phẩm lúa, gạo địa phương.
Năm 2020, diện tích lúa sản xuất theo hướng hữu cơ trên địa bàn xã Long Hòa được gần 110ha; riêng trong vụ thu - đông năm 2021 đã xuống giống được 61ha. Theo ông Nguyễn Văn Huệ, Phó Giám đốc Hợp tác xã Tiến Thành, diện tích liên kết trong sản xuất lúa hữu cơ của nông dân luôn phụ thuộc vào các công ty, doanh nghiệp. Vì vậy, diện tích thường không ổn định, trong khi đó, khả năng diện tích đủ điều kiện sản xuất lúa hữu cơ của địa phương từ 200 - 250ha/năm.
Với tình hình BĐKH như hiện nay, mô hình sản xuất lúa ở 02 xã cù lao cơ bản được chủ động trong canh tác (triều cường, mặn) và người sản xuất đã nắm bắt rất tốt quy trình canh tác, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao song song với kết hợp nuôi thủy sản. Thời gian tới, sau khi nhãn hiệu tập thể sản phẩm “Lúa, gạo hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh” được xác lập và công nhận sẽ là nền tảng trong việc quảng bá, xúc tiến và đưa sản phẩm trực tiếp đến với thị trường.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.