28/09/2022 10:00
Ông Thạch Sâm Minh (bên trái) với mô hình trồng táo hồng trong nhà lưới.
Phường 9 có diện tích tự nhiên 1.177,38ha; có 3.237 hộ, dân số hơn 13.000 người, trong đó đồng bào Khmer chiếm 56,83%. 05 năm trước đây, người dân Phường 9 sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Với lối canh tác truyền thống, tự cung, tự cấp, chậm ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất… do vậy, năng suất cây trồng, vật nuôi không cao, “cái nghèo” luôn đeo bám.
Phấn đấu giảm nghèo bền vững, nâng dần mức sống cho người dân, những năm 2015 - 2020, Đảng bộ, chính quyền Phường 9 tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Phường 9 tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để nâng cao năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, quan tâm thực hiện tốt chính sách giảm nghèo trong đồng bào Khmer, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Theo đó, công tác giảm nghèo và giảm nghèo bền vững được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, biện pháp cụ thể như: đào tạo nghề, giới thiệu, giải quyết việc làm (đã giới thiệu, giải quyết việc làm cho gần 2.000 lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh); giải quyết cho gần 1.200 lượt hộ vay vốn phát triển kinh tế, số tiền trên 22 tỷ đồng; phối hợp mở nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng trăm lao động, tạo điều kiện nâng cao trình độ, tay nghề trong sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt các chính sách dân tộc, hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm, từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 755/QĐ-TTg, ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn”; Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2017 - 2020”...
Trong điều kiện còn khó khăn về kết cấu hạ tầng, Đảng ủy, UBND Phường 9 đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực, huy động sức dân, tranh thủ với thành phố, với tỉnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng: giao thông, thủy lợi, hệ thống thoát nước, chỉnh trang đô thị… đồng thời, xây dựng và thực hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ, chính quyền Phường 9, kinh tế trên địa bàn phường có sự chuyển dịch đúng hướng.
Phó Chủ tịch UBND Phường 9, ông Huỳnh Văn Hạnh cho biết: thu nhập chính của người dân hiện nay là thương mại dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp (chủ yếu là làm bánh tráng, bún, hủ tiếu…), sản xuất nông nghiệp đứng hàng thứ ba, dù diện tích đất nông nghiệp của phường còn khá nhiều, nhưng đa số là đất nhiễm phèn, mùa khô thì hạn mặn, thiếu nước… nên chưa phát huy được hiệu quả kinh tế nông nghiệp.
Phường 9 đã xây dựng mô hình “Nông dân khởi nghiệp”, “Ứng dụng khoa học công nghệ”, tạo phân vi sinh trồng rau an toàn kết hợp với nuôi bò sinh sản; nhiều nông dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Ngởi (Khóm 5, Phường 9) tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0, trang bị hệ thống tưới, pha chế thuốc tự động để trồng thanh long, bước đầu đang phát huy hiệu quả. Ông Thạch Sâm Minh (Khóm 9, Phường 9) tiên phong trồng cây táo hồng trong nhà lưới để nâng giá trị kinh tế từ đất ruộng trồng lúa kém hiệu quả. Ông Minh chia sẻ: chi phí đầu tư ban đầu có hơi cao, nhưng trồng trong nhà lưới sẽ hạn chế được sâu bệnh, không phải tốn nhiều chi phí cho phân bón, thuốc trừ sâu… lại được “trái cây sạch”, thị trường đang ưa chuộng. Tôi trồng hơn 100 cây táo hồng trên diện tích gần 02 công đất, đầu tư hệ thống tưới phun sương và đang chuẩn bị hoàn tất nhà lưới. |
Trong khi đó, Phường 9 hiện có hơn 600 hội viên Hội Nông dân với nguồn thu nhập chính là sản xuất nông nghiệp. Để nâng cao thu nhập, nâng cao mức sống cho nông dân, Chủ tịch Hội Nông dân Phường 9 ông Thạch Đa Ra tâm huyết: chúng tôi đã và đang nỗ lực học hỏi, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân nuôi, trồng, tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác.
Phấn đấu xây dựng Phường 9 đạt chuẩn văn minh đô thị vào cuối năm 2022, cùng với việc nâng cao đời sống vật chất, Đảng bộ, chính quyền Phường 9 còn quan tâm nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Ông Huỳnh Văn Hạnh cho biết thêm: toàn phường hiện có 3.237 hộ, kết quả điều tra rà soát hộ nghèo cuối năm 2021, còn 33 hộ nghèo, 104 hộ cận nghèo, 1.895 hộ có mức sống trung bình, còn lại là hộ có thu nhập khá, giàu. Số lao động có việc làm trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động đạt 91,92%. Số lao động đã qua đào tạo (từ 03 tháng trở lên) đạt 68,53%. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 64,5 triệu đồng/năm. Từ nay đến năm 2025, Phường 9 nỗ lực kéo giảm số hộ cận nghèo, phấn đấu không còn hộ nghèo.
Góp phần rèn luyện sức khỏe, nâng chất lượng đời sống tinh thần cho Nhân dân, phong trào văn nghệ, thể dục - thể thao ở Phường 9 được phát động mạnh mẽ và ngày càng phát triển sâu rộng với nhiều môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, võ thuật, đặc biệt đội múa Sa-dăm và các trò chơi dân gian của đồng bào Khmer được duy trì tại các điểm sinh hoạt nhà văn hóa cộng đồng khóm và các điểm chùa Khmer trên địa bàn... tạo sân chơi vui, khỏe, lành mạnh cho người dân địa phương.
Từ đầu năm đến nay, UBND Phường 9 còn phối hợp các ngành, đoàn thể vận động các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và từ nguồn Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ xây dựng mới 10 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí 665 triệu đồng, hiện toàn phường không còn hộ dân ở nhà tạm, nhà dột nát.
Bài, ảnh: HÀ THANH
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.