28/06/2021 05:25
Tuyến kè cửa cống Láng Thé, thuộc xã Đại Phước, huyện Càng Long đang được các cơ quan chuyên môn khẩn trương gia cố, chống sạt lở. Hiện công trình đang trong giai đoạn hoàn thành.
Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và địa phương, nên toàn tỉnh hiện có 85,5km đê biển, 242,55km đê sông, đê cửa sông và 8,2km kè bảo vệ bờ biển, cơ bản đáp ứng yêu cầu bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh. Tuy nhiên, năm nào cũng vậy, khi đến mùa mưa bão và triều cường hàng năm, nhất là tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường, mức độ ngày càng gay gắt như: khô hạn, mặn xâm nhập, nước biển dâng, mưa lớn, bão, áp thấp nhiệt đới, giông lốc, sóng lớn, thay đổi dòng chảy… xảy ra thường xuyên, gây sụp lún, sạt lở bờ sông, bờ biển, làm cho các công trình thủy lợi, đê sông bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình hình sạt lở bờ sông của tỉnh ngày càng phức tạp. Qua báo cáo từ các địa phương, kết hợp khảo sát thực tế, hiện nay trên địa bàn tỉnh, ở 02 dòng sông chính, rải rác đều có điểm sạt lở, sụp lún.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong khu vực sạt lở; mục tiêu hướng đến đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Đối với UBND các nơi có sạt lở, tăng cường tuyên truyền, cắm biển báo, cảnh báo, thông báo rộng rãi về tình hình sạt lở để người dân biết chủ động phòng, tránh; theo dõi sát diễn biến sạt lở, xây dựng các phương án sẵn sàng ứng phó. Cùng với đó, vận động người dân bàn giao mặt bằng để ngành chuyên môn triển khai các biện pháp khắc phục.
Chủ động phòng, chống sạt lở trong mùa mưa bão năm 2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp với các ngành, địa phương tăng cường kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông và tiến hành thống kê, rà soát đề xuất các giải pháp khắc phục, sửa chữa, nhằm chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Từ đầu năm 2021 đến nay, Sở NN-PTNT đã phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai khắc phục khẩn cấp các điểm sạt lở bằng nguồn kinh phí Quỹ Phòng, chống thiên tai của tỉnh: công trình khắc phục sạt lở khẩn cấp đoạn đê tả hữu sông Cổ Chiên thuộc ấp Rạch Giồng, xã Long Hòa, huyện Châu Thành; đê bao Xẻo Ngây ven Sông Hậu, Khóm IV, thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần; đê bao ven Sông Hậu ấp Xoài Rùm, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú với tổng kinh phí trên 08 tỷ đồng.
Ngoài các công trình trên, những tuyến kè, đê bao, bờ bao đã và đang có nguy cơ xảy ra sự cố sạt lở, Sở NN-PTNT đã tiếp tục xin chủ trương UBND tỉnh khắc phục khẩn cấp từ nguồn kinh phí Quỹ Phòng, chống thiên tai của tỉnh và đề nghị Trung ương hỗ trợ: công trình khắc phục sạt lở khẩn cấp đoạn đê bao ven kênh Bắc Trang, ấp An Tân, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú; đoạn đê bao ven Sông Hậu (từ vàm Bắc Trang đến Xẻo Lá) ấp Vàm, xã An Quảng Hữu, huyện Trà Cú; đê bao khu dân cư ấp Vàm (đoạn nối tiếp với công trình khắc phục sạt lở khẩn cấp đê bao khu dân cư ấp Vàm), xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú; đê bao ven sông Cổ Chiên, ấp Đức Mỹ A và Mỹ Hiệp A, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long; đê bao Tổng Long, huyện Trà Cú; bờ sông Cổ Chiên, khu vực cù lao Long Trị, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh (đoạn còn lại), dự kiến tổng mức đầu tư khắc phục khoảng 200 tỷ đồng.
Ngày 18/02/2021, UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 957/QĐ-TTg, ngày 06/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Mục tiêu của Kế hoạch là chủ động quản lý, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm ứng phó, khắc phục hậu quả sạt lở, giảm thiểu thiệt hại, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, công trình phòng, chống thiên tai, kết cấu hạ tầng. Quản lý chặt chẽ việc xây dựng công trình, nhà ở tại khu vực ven sông, sắp xếp lại dân cư, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở; phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành xử lý sạt lở tại các khu vực trọng điểm xung yếu ảnh hưởng trực tiếp đến khu dân cư tập trung, hệ thống đê điều, kết cấu hạ tầng thiết yếu vùng ven sông, ven biển trên địa bàn tỉnh; đến năm 2030, hoàn thành 90% việc di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao.
|
Ông Hoàng Minh Hòa, Giám đốc DNTN Vạn Hòa, ấp Đức Mỹ, xã Đức Mỹ có nhà máy xay xát lúa gạo đang hoạt động cặp tuyến kè của cống Cái Hóp chia sẻ: sạt lở ở đây rất nhanh, trong vòng 03 năm qua, nước sông đã làm sạt lở có đoạn sâu vào đất liền gần 03m. Nhiều tàu, ghe neo đậu cập mé vào thời điểm ban đêm rất lo ngại, có thể sạt lở đất với khối lượng lớn, làm chìm ghe là có thể xảy ra. Hiện nay, khu vực này đang bị mất an toàn nghiêm trọng, đe dọa tính mạng, tài sản của nhiều hộ dân trong khu vực ven đê và chân đê.
Ông Phạm Minh Truyền cho biết thêm: về lâu dài, để chủ động ứng phó, hạn chế tình trạng sạt lở, Sở NN-PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã và thành phố chỉ đạo Phòng NN-PTNT các huyện, UBND các xã, phường, thị trấn, nơi có nguy cơ sạt lở, vận động người dân trồng cây bảo vệ chân đê, bờ bao, chống sạt lở. Hiện Sở NN-PTNT phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện theo dõi diễn biến sạt lở, sẵn sàng phương án khắc phục; đồng thời, đề xuất chủ trương đầu tư, tổ chức thực hiện dự án khắc phục khẩn cấp các đoạn sạt lở trên.
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động xấu đến nhiều lĩnh vực, thiên tai ngày càng khó lường và mức độ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng hơn, nhưng với quyết tâm nỗ lực của Sở NN-PTNT, tin rằng các công trình khắc phục sạt lở bở sông sẽ được UBND tỉnh và Trung ương quan tâm hỗ trợ, góp phần bảo vệ diện tích đất sản xuất và đời sống Nhân dân trong tỉnh.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.