14/10/2020 08:30
Nông dân xã Ngọc Biên thực hiện đưa cây màu xuống chân ruộng giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Năm 2015, xã Ngọc Biên có 113 hộ nghèo chiếm 5,02% dân số, đến năm 2016 thực hiện điều tra theo chuẩn nghèo đa chiều, hộ nghèo tăng lên 485 hộ (chiếm 21,55%). Bằng sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện công tác giảm nghèo, đến cuối năm 2019, hộ nghèo trên địa bàn xã Ngọc Biên chỉ còn 93 hộ (chiếm 3,92%) và 277 hộ cận nghèo, không còn hộ nghèo trong cán bộ, đảng viên.
Ông Huỳnh Văn Trường, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: nhằm thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, xã triển khai, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp đạt kết quả tích cực, quy hoạch 02 tiểu vùng sản xuất trọng điểm sản xuất 02 vụ lúa - 01 vụ màu, 01 vụ lúa - 02 vụ màu. Hàng năm, chỉ đạo đưa trên 800ha màu luân canh xuống chân ruộng lúa, tạo mô hình và khẳng định hiệu quả là đậu phộng, cây bắp, ớt chỉ thiên… nhờ đó, tạo việc làm tại chỗ cho trên 1.200 lao động.
Bên cạnh đó, những năm qua, xã vận động 49 hộ khá, giàu cho 76 hộ nghèo mượn đất sản xuất 01 - 02 vụ màu/năm với diện tích 13,6ha, triển khai mô hình thực hành tiết kiệm trong cán bộ, đảng viên và giáo viên ở các trường trên địa bàn xã hỗ trợ cho hộ nghèo, học sinh nghèo, thực hiện công tác vận động hỗ trợ từ thiện cho hộ nghèo với tổng kinh phí trên 3,5 tỷ đồng.
Song song đó, xã có 04/07 ấp thực hiện mô hình tổ tự quản giảm nghèo với 71 thành viên, trong đó có 41 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo và 20 hộ khác hoạt động hiệu quả. Các thành viên trong tổ cùng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, thành lập tổ hùn vốn xoay vòng không lãi, đóng góp quỹ hỗ trợ thành viên ốm đau, bệnh tật và chi phí sinh hoạt… đồng thời, phát huy có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, Chương trình 135, nguồn vốn giải quyết việc làm thông qua các hội đoàn thể, phát động 07/07 ấp thực hiện mô hình đăng ký thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động giảm nghèo.
Ông Huỳnh Văn Trường nhận định: thành tựu đạt được trong công tác giảm nghèo bền vững của xã Ngọc Biên thời gian qua xuất phát từ sự nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp. Bên cạnh, xã tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ, như: đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài… đặc biệt, hộ nghèo đã ý thức, nỗ lực trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Bà Thạch Thị Ngọc Mai, ấp Tắc Hố thuộc diện hộ nghèo nhiều năm liền, nhờ vợ chồng đồng lòng, chí thú lao động sản xuất và được vay vốn tín chấp của Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư sản xuất, đến năm 2018, gia đình bà đã thoát nghèo, cuộc sống dần ổn định, khấm khá. Hiện nay, ngoài chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bà tích cực tham gia hoạt động đoàn thể, học hỏi nhiều cách làm hay trong sản xuất và quan tâm chăm lo cho con đến trường học tập tốt.
Nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, phấn đấu xây dựng thành công xã nông thôn mới nâng cao, năm 2020, xã Ngọc Biên đề ra mục tiêu giảm 55 hộ nghèo, giảm hộ nghèo toàn xã xuống dưới 02%. Trong đó, Đảng ủy, UBND, các ngành đoàn thể của xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân ý thức vươn lên thoát nghèo, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng. Nêu gương, động viên, khen thưởng kịp thời những hộ nghèo điển hình trong việc thoát nghèo phát triển kinh tế bền vững. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về giảm nghèo, thực hiện xã hội hóa, lồng ghép các nguồn lực để thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo.
Đồng thời, gắn chương trình giảm nghèo với các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát huy hiệu quả các nguồn vốn giải quyết việc làm, giảm nghèo. Tiếp tục vận động các hộ có đất nhiều cho hộ nghèo mượn đất sản xuất, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.