15/03/2022 08:02
Bắp giống là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân xã Ngọc Biên phát triển kinh tế gia đình.
Ngọc Biên là xã có trên 81% đồng bào Khmer, điểm xuất phát khó khăn, nhưng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã đã chung tay XDNTM và đạt nhiều kết quả khả quan. Ngọc Biên được công nhận đạt chuẩn xã NTM vào năm 2015; từ đó, xã duy trì, nâng chất các tiêu chí đã đạt, phấn đấu xây dựng đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Tuy nhiên, do một số khó khăn nhất định, nhất là tiêu chí thu nhập nên đến nay Ngọc Biên mới hoàn thành 20 tiêu chí xã NTM nâng cao.
Ông Võ Hoàng Lang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Biên cho biết: từ khi được công nhận đạt chuẩn xã NTM, địa phương đã nỗ lực duy trì, nâng chất các tiêu chí đã đạt và xác định XDNTM nâng cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên thực hiện nhiệm chính trị tại địa phương. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tập trung dồn sức thực hiện các tiêu chí, thực hiện vệ sinh môi trường thông thoáng, sạch đẹp, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gia đình, từng bước nâng cao thu nhập và xóa nghèo.
Trong phát triển kinh tế, với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, Ngọc Biên tập trung thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu nông nghiệp, phát động Nhân dân chuyển đổi 241,3ha đất kém hiệu quả. Trong đó, chuyển sang trồng bắp 102,8ha, trồng đậu phộng 55,5ha, rau, củ, quả hơn 50ha, trồng cỏ 40,8ha, trồng dừa 07ha và cây ăn trái 4,5ha… Qua chuyển đổi, xuất hiện một số mô hình hiệu quả, đạt lợi nhuận cao như: trồng bắp (ấp Giồng Cao, Tắc Hố), lợi nhuận 80 - 120 triệu đồng/ha/năm, trồng đậu phộng (ấp Sà Vần A, Rạch Bót), lợi nhuận 90 - 135 triệu đồng/ha/năm, nuôi cá thác lác kết hợp cá sặc rằn lợi nhuận bình quân 70 - 120 triệu đồng/1.000m2/vụ nuôi, nuôi bò thịt, bò sinh sản lợi nhuận 10 - 12 triệu đồng/con/18 tháng nuôi… Bên cạnh, thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu biểu là hỗ trợ 440 hộ nghèo, cận nghèo thực hiện nuôi bò sinh sản, các đoàn thể cũng giúp đỡ đoàn viên, hội viên thực hiện các mô hình sinh kế hiệu quả.
Để sản xuất phát triển và hiệu quả, địa phương quan tâm thực hiện tốt công tác thủy lợi nội đồng với 49 công trình thủy lợi, dài gần 70km, 21 cống, 11 bọng kiên cố, các tuyến kênh được nạo vét hàng năm, đảm bảo nhu cầu tưới tiêu cho trên 2.200ha đất nông nghiệp và ứng phó với thiên tai.
Ông Võ Hoàng Lang cho biết thêm: triển khai XDNTM nâng cao, xã nhận được sự quan tâm từ tỉnh, huyện trên các lĩnh vực; nhiều công trình, dự án được triển khai, các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo phát huy hiệu quả. Đặc biệt, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giúp giảm nghèo bền vững. Phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trà Cú đầu tư 1.638 hộ vay, số tiền trên 39,1 tỷ đồng giúp hội viên các đoàn thể và người dân vay đầu tư phát triển kinh tế gia đình với các mô hình hiệu quả như: trồng đậu phộng, bắp giống, ớt, nuôi bò sinh sản, nuôi gà thả vườn… Bên cạnh, xã tập trung phát triển kinh doanh dịch vụ, đến nay trên địa bàn xã có 03 công ty trách nhiệm hữu hạn, 416 cơ sở sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho 1.276 lao động tại địa phương với các lĩnh vực: xây dựng, vận tải, sửa xe máy, buôn bán vật tư nông nghiệp, may mặc, xay xát lúa, dịch vụ nông nghiệp… nhờ đó, góp phần nâng mức thu nhập năm 2021 trên địa bàn xã lên 63,2 triệu đồng/người/năm (tăng 35,7 triệu đồng so năm 2015).
Ngoài ra, xã quan tâm thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, 100% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh, hội viên, đoàn thể và Nhân dân tích cực thực hiện các hoạt động trồng hoa, cây xanh trên các tuyến đường, thu gom rác và xử lý đúng quy định. Ấp Tha La được được xã chọn xây dựng ấp NTM kiểu mẫu, người dân trong ấp ý thức cao trong thực hiện vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình văn hóa - NTM, đóng góp tiền, ngày công làm đèn đường, góp đất mở rộng giao thông… Ông Phan Quốc Lâm, Bí thư Chi bộ ấp Tha La chia sẻ: việc góp đất làm đường, xây dựng nhà văn hóa, làm thủy lợi nội đồng được người dân trong ấp đồng tình ủng hộ. Nhà nhà ý thức tốt trong chung tay XDNTM nâng cao, chăm lo lao động sản xuất, nhờ đó, cuối năm 2021, ấp không còn hộ nghèo.
Được biết, giai đoạn 2018 - 2021, Ngọc Biên huy động 161,14 tỷ đồng đầu tư thực hiện XDNTM nâng cao, trong đó, nguồn ngân sách Trung ương 16,48 tỷ đồng, ngân sách địa phương 129,9 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp 14,76 tỷ đồng, cho thấy người dân đồng lòng chung tay góp sức cùng chính quyền địa phương xây dựng xã NTM nâng cao. Hệ thống giao thông, thủy lợi đảm bảo đạt các tiêu chí XDNTM theo quy định, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao lưu hàng hóa, phục vụ sản xuất, xã có 2.162/2.368 nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng (đạt 91/3%).
Thời gian tới, nhằm nâng cao cuộc sống người dân, Ngọc Biên tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả giúp đời sống người dân tiếp tục nâng lên. Đảng bộ, chính quyền địa phương phát huy thế mạnh các sản phẩm đặc trưng của xã như: gạo, cốm dẹp, đậu phộng, bắp… từng bước gắn kết xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, giúp liên kết sản xuất hiệu quả, đời sống của người dân tiếp tục nâng lên, giúp bộ mặt nông thôn ngày khởi sắc.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.