09/05/2023 08:12
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, ngụ ấp Rọ Say phấn khởi khi được sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.
"Đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và Nhân dân Ngũ Lạc. Với quan điểm vận động, tuyên truyền: Nhân dân là chủ thể, trực tiếp hưởng lợi từ chương trình; Đảng ủy lãnh đạo, UBND xã điều hành; đoàn thể vào cuộc, Nhân dân đồng hành… quyết tâm chính trị cao nhất, phấn đấu đạt nghị quyết đề ra. Trên cơ sở chỉ đạo của xã là: phát huy tiềm năng và thế mạnh”- đồng chí Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Ngũ Lạc khẳng định.
Từ khi huyện Duyên Hải được thành lập cùng thị xã Duyên Hải (năm 2018), Ngũ Lạc trở thành trung tâm hành chính của huyện. Toàn xã có 10 ấp, 4.538 hộ, 18.496 nhân khẩu (dân tộc Khmer 2.899 hộ, với 12.163 nhân khẩu, chiếm 65,76%); Đảng bộ xã Ngũ Lạc có 355 đảng viên, sinh hoạt tại 19 chi bộ (10 chi bộ ấp, 9 chi bộ ngành); có 11.202 hội viên, đoàn viên, chiếm 88,52% dân số trong độ tuổi cần tập hợp… Đây là nguồn lực quan trọng để Ngũ Lạc lãnh đạo, điều hành phát huy tiềm năng và thế mạnh trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội nói chung, XDNTM nâng cao nói riêng.
Theo đồng chí Lê Minh Tâm, trước khi triển khai XDNTM (năm 2012), đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm 36,5%; thu nhập bình quân 14,9 triệu đồng/người/năm; kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi… xuống cấp; khả năng khai thác tiềm năng kinh tế hạn chế. Từ năm 2021 đến nay, xã tiếp tục giữ vững tiêu chí và nâng chất tiêu chí, tập trung huy động nguồn lực, vận động Nhân dân tích cực tham gia XDNTM nâng cao. Đến nay, bộ mặt nông thôn khởi sắc, hệ thống giao thông được đầu tư, trong đó, nhiều công trình phục vụ dân sinh; kinh tế - xã hội phát triển toàn diện.
Tiềm năng, thế mạnh của Ngũ Lạc phải kể đến một số công trình trọng điểm của huyện, nằm trên địa bàn, xã sẽ hưởng lợi: Trung tâm Hành chính, tuyến đường số 5, dẫn vào Khu Kinh tế Định An; bờ kè (giai đoạn 2) dài hơn 03km, tiềm năng mời gọi đầu tư của huyện; sân vận động, chợ, bến xe huyện đang trong giai đoạn hoàn thành… Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 2368/QĐ-UBND, ngày 13/12/2013 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Ngũ Lạc đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, theo hướng tích cực, bền vững. Từ năm 2013 đến nay, qua vận động, Nhân dân chuyển đổi 102ha đất nuôi tôm thâm canh, 401ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, thu nhập cao. Nhờ đó, năm 2022 thu nhập bình quân đầu người đạt 54,82 triệu đồng/năm; hiện còn 208/4.538 hộ nghèo, cận nghèo (có 58 hộ nghèo bảo trợ) chiếm 3,31%.
Hiện lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển đồng bộ, toàn xã có 893 cơ sở thương mại, dịch vụ, giải quyết việc làm cho 1.123 lao động… Chính nhờ mức sống người dân nâng lên, nên lộ trình XDNTM nâng cao, Ngũ Lạc đã phát huy nội lực và tiềm năng, thế mạnh hiệu quả. Qua hơn 10 năm XDNTM, Ngũ Lạc có 415 hộ hiến gần 07ha đất, đổ 412m3 đá lộ nông thôn, Nhân dân đóng góp trên 1,2 tỷ đồng; huy động nguồn lực XDNTM nâng cao hơn 493,789 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2012 - 2020 hơn 289,703 tỷ đồng; giai đoạn 2021 đến nay 204,086 tỷ đồng... Ý thức và trách nhiệm của người dân trong XDNTM ngày càng cao, trong triển khai các công trình giao thông luôn được người dân đồng tình, hưởng ứng, đóng góp quan trọng.
Sau khi được công nhận NTM, Ngũ Lạc được tỉnh, huyện hỗ trợ, đầu tư thêm 16 công trình giao thông quan trọng: năm 2021 đầu tư 07 tuyến, năm 2022 đầu tư 05 tuyến, năm 2023 đầu tư 04 tuyến, tổng vốn 32,6 tỷ đồng. Đến nay, toàn xã có 03 tuyến đường, dài 13,1km, được nhựa hóa 100%, mặt đường rộng 6,5m, mặt nhựa 04m (tuyến Số 2, Tỉnh lộ 914; Hương lộ 21). Đồng thời, xã có 15 tuyến đường xã, dài 28,9km, đã được nhựa hóa, bê tông hóa 100%; có 17 tuyến đường ngõ xóm, dài 11,3km, được nhựa hóa, bê tông 10,25/11,3km. đường trục chính nội đồng hiện có 14 tuyến, dài 23,4km, đã được cứng hóa 18,1/23,4km… Đây là tiền đề quan trọng để Ngũ Lạc phát huy nôi lực, thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện và bền vững.
Nói về chất lượng môi trường sống của người dân, đồng chí Lê Minh Tâm cho biết, dù khó khăn, song Đảng bộ, UBND xã đã nỗ lực cao nhất để chăm lo cho người dân. Hiện Ngũ Lạc có 02 trạm cấp nước tập trung, có 3.728/4538 hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn, chiếm 82,15%; có 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh. Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV), hỗ trợ thi công tuyến ống mở rộng ở xã Ngũ Lạc, giúp 492 hộ được hưởng lợi.
Tại ấp Rọ Say, bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, là một trong 492 hộ được hỗ trợ lắp đặt hệ thống ống nước sạch để sử dụng vào năm 2022. Bà Hương phấn khởi, trước đây một số hộ dân ở đây sử dụng nước chủ yếu nguồn nước ngầm. Từ cuối năm 2022, gia đình được hỗ trợ nước sạch miễn phí, rất mừng, tiện cho sinh hoạt, nhất là sức khỏe.
Theo đồng chí Phan Minh Tiến, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Ngũ Lạc, tuy còn một số tiêu chí chưa đạt, nhưng xã đã xây dựng có kế hoạch vốn và thời gian triển khai. Từ nay đến cuối năm, những tiêu chí thuộc địa phương, sẽ tập trung triển khai với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, chúng tôi nỗ lực phấn đấu hoàn thành xã NTM nâng cao như Nghị quyết Đảng bộ đề ra.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.