12/11/2021 07:59
Một đoạn kè ở Long Trị đang trong giai đoạn hoàn thành.
Cù lao Long Trị thuộc xã Long Đức, với diện tích tự nhiên gần 200ha. Cù lao Long Trị nằm giữa dòng sông Cổ Chiên, nên người dân nơi đây luôn chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mặn xâm nhập… Từ đó, tuy đất cù lao Long Trị màu mỡ, nhưng do gần biển, nước mặn thường đe dọa hoặc xâm nhập, khó khăn trong quy hoạch các loại cây trồng, vật nuôi.
Theo ông Phan Văn Nhã, hiện nay đời sống của người dân ấp Long Trị đã nâng cao đáng kể, minh chứng rõ nét là ấp Long Trị đã hội đủ các tiêu chí nên được công nhận ấp nông thôn mới vào năm 2010 và đầu năm 2021, được công nhận ấp nông thôn mới kiểu mẫu. Cũng theo ông Phan Văn Nhã, hiện nay hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên khoảng 30/312 hộ, từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng/năm khoảng 150/312 hộ. Số hộ còn lại có thu nhập, nhưng không cao, phần lớn do diện tích vườn ít, chủ yếu đi làm công nhân, hoặc lao động tự do.
Qua tìm hiểu thì được biết, trước năm 2010, vùng đất này người dân trồng nhiều loại cây ăn trái: bưởi, nhãn, sầu riêng... Tuy nhiên, sau thời gian, các loại cây ăn trái này không phát triển. Theo cơ quan chuyên môn khuyến cáo, do điều kiện đất, nước và vị trí địa lý, nên Long Trị phải chịu ảnh hưởng của thủy triều, nhất là vào thời điểm trước tết Nguyên đán hàng năm, nên chỉ có cây dừa là thích hợp nhất, từ đó, cây dừa trở thành cây trồng chủ lực để định hướng phát triển kinh tế vườn. Vì dừa có thể chịu được độ mặn từ 04 - 06‰, khi độ mặn cao hơn mới bị ảnh hưởng. Thực tế, những năm qua cây dừa phát triển và cho năng suất ổn định (trừ những năm có độ mặn lấn sâu lên thượng nguồn thì dừa của nông dân Long Trị mới bị ảnh hưởng). Do vậy, thu nhập bình quân từ dừa của nông dân nơi đây đạt hơn 100 triệu đồng/ha/năm.
Ấp Long Trị hiện có 84 tàu đánh bắt thủy, hải sản. Trong đó, có 25 tàu có công suất từ 30CV trở lên. Đây là nguồn lực mạnh để người dân ấp cù lao Long Trị phát triển kinh tế. Trong đó, có vấn đề giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên hoạt động đánh bắt của ngư dân Long Trị cũng bị ảnh hưởng chung. Một số ngư dân, lao động theo tàu đánh bắt phải chuyển đổi nghề, chờ dịch bệnh ổn định mới tiếp tục ra khơi.
|
Với thế mạnh kinh tế là dừa, một số nông dân ở đây cho biết: giá dừa khô thời gian qua khá ổn định, nên người dân mạnh dạn đầu tư, chăm sóc, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng. Hiện dừa đang có giá từ 100.000 - 105.000 đồng/chục (12 trái). Nhờ các tuyến đê bao khép kín, nên ngăn được nước tràn, không gây ngập úng. Hàng năm, thường có mấy tháng nước lợ, còn lại ngọt, nên dừa cho trái ổn định. Thực tế, theo kinh nghiệm của người trồng dừa ở Long Trị, qua các đợt mặn, có năm độ mặn từ 07 - 08‰, nhưng cây dừa vẫn có khả năng chống chọi, phát triển, cho trái trở lại sau thời gian ngắn hồi phục.
Khác với một số loại cây trồng khác, do nắm bắt được quy luật của triều cường, độ mặn, nên việc chăm sóc dừa của nông dân Long Trị được quan tâm hàng đầu, cần thiết và hết sức quan trọng, nhằm đạt năng suất, sản lượng dừa cao nhất trong năm; nhất là sau những đợt bị ảnh hưởng mặn, triều cường xâm nhập cục bộ. Có thể nói, để năng suất dừa đạt cao, ngoài thời tiết còn phụ thuộc rất lớn vào mức độ đầu tư và kỹ thuật chăm sóc của người trồng dừa, đây là điều mà người dân Long Trị đã nỗ lực thực hiện hiệu quả trong thời gian qua.
Tuy nhiên, theo một số người dân ở đây, hiện vào thời điểm cận tết Nguyên đán, cụ thể như thời điểm hiện nay, vào những con nước rong như rằm, 30 âm lịch, triều cường dâng cao, nên nước tràn vào diện tích dừa, nhưng chỉ cục bộ của một số người dân nơi đây. Tuy nhiên, nhiều năm qua, dừa của nông dân chỉ bị ảnh hưởng, chưa gây thiệt hại. Theo ông Phan Văn Nhã, nguyên nhân vào những thời điểm này, nước ngọt phía thượng nguồn đổ vào mạnh, nước sông chưa có độ mặn lớn, nên không gây ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng dừa.
Sắp bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trên cơ sở kinh tế ổn định, địa phương đã phát huy đúng tiềm năng và thế mạnh của vùng đất cù lao, Nhân dân Long Trị không ngừng tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế vườn; giữ vững ổn định an ninh - trật tự, an toàn xã hội. Phấn đấu cù lao Long Trị sẽ là điểm du lịch sinh thái cho du khách trong và ngoài tỉnh.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.