15/02/2022 05:06
Bà Thạch Thị Duyên chăm sóc rẫy bắp của gia đình.
Là một trong những địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, những năm qua, xã Nguyệt Hóa thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong đó, tập trung tuyên truyền người dân đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa, đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với thu mua, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân…
Năm 2021, toàn xã chuyển đổi được 7,4ha đất lúa, đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò, trồng màu, trồng dừa, trồng mai vàng, nâng tổng diện tích gieo trồng rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây trồng khác trong năm đạt 601ha, đạt 100% so kế hoạch; cây dừa gần 434ha, cây ăn trái gần 233ha, đạt 100% so kế hoạch… nhìn chung, các mô hình đều phát huy hiệu quả, nhiều mô hình lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/ha/năm, thu nhập bình quân năm 2021 đạt 58,5 triệu đồng/người/năm.
Bà Thạch Thị Duyên, ngụ ấp Xóm Trảng cho biết: vùng đất ở đây thuộc đất cát pha, sản xuất lúa năng suất bấp bênh, vừa qua, xã vận động thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, gia đình tôi chuyển 0,3ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu, tôi chọn trồng cây bắp, khoai lang… vụ màu vừa rồi gia đình tôi trồng 0,2ha bắp và 0,1ha khoai lang, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận 12 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với độc canh cây lúa.
Trao đổi với chúng tôi, ông Kim Cơ, ngụ ấp Cổ Tháp B cho biết: gia đình tôi có 1,9ha đất trồng lúa, năng suất không cao. Được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn và tôi tự tìm hiểu qua báo, đài về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, gia đình tôi mạnh dạn lên liếp 0,8ha trồng dừa, 0,7ha trồng bưởi da xanh, diện tích còn lại trồng trầu. Nhờ chịu khó học hỏi các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi do xã phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức, tôi đã áp dụng tốt vào mô hình trồng trọt của mình nên năng suất đạt khá cao, trung bình mỗi tháng lợi nhuận 20 triệu đồng.
Ông Trần Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyệt Hóa cho biết: qua thời gian triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn xã cho thấy nhiều kết quả khả quan. Trên lĩnh vực trồng trọt, xã đã và đang tiến hành rà soát cơ cấu các loại cây trồng chủ lực, xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, lợi thế của các địa phương và nhu cầu thị trường.
Thời gian tới, xã tập trung thực hiện các giải pháp, như rà soát, thống kê diện tích đất sản xuất kém hiệu quả để bổ sung vào quy hoạch chuyển đổi; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó, khuyến khích nông dân thành lập nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã để phát triển các vùng sản xuất có liên kết, thuận lợi trong việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung... đồng thời, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa cây trồng có năng suất cao, phù hợp với nhu cầu của thị trường và xuất khẩu.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Nguyệt Hóa đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, vẫn gặp phải một số khó khăn, như giá một số sản phẩm nông nghiệp thiếu tính ổn định, trong khi giá vật tư đầu vào cho sản xuất ngày càng tăng cao, thiếu lao động. Ngoài ra, tái cơ cấu nông nghiệp trong thời gian qua chuyển dịch còn chậm, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của xã. Hình thức tăng trưởng nông nghiệp mới chỉ tạo ra khối lượng nhiều nhưng chất lượng, giá trị một số sản phẩm chưa cao; hiệu quả sử dụng đất đai, tài nguyên chưa cao, thu nhập của đại bộ phận nông dân và những người làm nông nghiệp còn thấp. Nguyên nhân chính là do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu ổn định, hình thức liên kết trong sản xuất lỏng lẻo, thiếu bền vững…
Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện tốt tái cơ cấu nông nghiệp, xã triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh. Để đạt kết quả tốt nhất, xã tăng cường tuyên truyền sâu rộng nội dung Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tạo đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở và cộng đồng dân cư nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất theo hướng hàng hóa; liên kết hàng hóa trong sản xuất và xã hội hóa đầu tư, đảm bảo tính bền vững. Thực hiện tốt quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt, đồng thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch phù hợp, trên cơ sở lợi thế sản phẩm của địa phương. Đẩy mạnh các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng giữa các doanh nghiệp với nông dân. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã với các doanh nghiệp.
Bài, ảnh: PHAN TUẤN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.