15/12/2020 20:09
Nhà vườn Bùi Chí Linh thực hiện định hình trên trái bưởi da xanh trước khi chuyển vào khuôn tạo hình.
Nhà vườn Bùi Chí Linh chia sẻ: gia đình có 2,2ha đất vườn, trong đó có 1,3ha trồng bưởi da xanh và bưởi năm roi. Khi vào mùa vụ, việc tiêu thụ sản phẩm bưởi luôn bị thương lái ép giá, cùng với đó là chi phí đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật quá cao… hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Bản thân muốn làm thế nào để trái bưởi của nhà vườn Ninh Thới vươn xa và mang lại giá trị kinh tế thật cao.
Năm 2011-2012, khi thị trường trái cây tạo hình bắt đầu xuất hiện và được nhiều nhà vườn ở Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre… sản xuất trên trái bưởi năm roi và đưa ra thị trường với giá trị kinh tế mang lại cao gấp 04-05 lần so với trồng bưởi truyền thống. Nhà vườn Bùi Chí Linh đã quyết định sang tận Hậu Giang để học nghề. Sau gần 01 năm học hỏi kinh nghiệm, anh đã tự đúc kết các kiến thức và kinh nghiệm để tạo nét “độc đáo” của riêng mình. Đầu năm 2013, anh bắt tay thực hiện trên diện tích vườn bưởi của gia đình. Kết quả từ vài chục cây bưởi thử nghiệm trong năm đầu tiên đã thành công và sau đó nhân rộng ra hết diện tích vườn.
Những trái bưởi năm roi được tạo hình hồ lô có chữ Tài-Lộc, Phước-Lộc-Thọ hoặc hình thỏi vàng… có giá gần 01 triệu đồng/cặp (loại I) và được người tiêu dùng ở các thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hà Nội tìm đến. Trong năm 2014 (năm thứ 2), nhà vườn Bùi Chí Linh đã đưa ra thị trường 2.000 trái bưởi tạo hình được các thành viên trong gia đình tham gia sản xuất trên diện tích hơn 01ha. Tùy theo mẫu mã, hình dáng với giá bán bình quân 300.000-500.000 đồng/cặp và loại I giá bán 01 triệu đồng/cặp; góp phần đem lại thu nhập cho gia đình trên 400 triệu đồng/năm (so với trồng bưởi năm roi truyền thống chỉ cho thu nhập 150 triệu đồng/năm).
Thấy hiệu quả của mô hình làm bưởi tạo hình, không chỉ là người có công phát triển và đưa kinh nghiệm, kỹ thuật làm bưởi tạo hình về địa phương, nhà vườn Bùi Chí Linh còn mong muốn nhân rộng nghề này đến với các nhà vườn trong xã. Ngoài việc nâng cao thu nhập cho các nhà vườn, những thành viên trong gia đình anh Bùi Chí Linh mong muốn thông qua việc phát triển, nhân rộng sản xuất loại hình bưởi năm roi tạo hình để từng bước liên kết, xây dựng thương hiệu bưởi cho vùng đất Ninh Thới.
Năm 2015, mô hình Tổ hợp tác (THT) trái cây tạo hình ở ấp Vàm Đình được thành lập, với 07 thành viên, diện tích bưởi 3,5ha. Qua các sản phẩm tạo hình từ trái bưởi năm roi của THT đã nâng cao giá trị kinh tế so với trồng bưởi truyền thống tăng từ 04-05 lần, đạt lợi nhuận 1,3 tỷ đồng/ha. Năm 2016, để tạo điều kiện cho các thành viên trong THT phát triển mở rộng sản xuất bưởi tạo hình, thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân tỉnh đã hỗ trợ 300 triệu đồng cho các thành viên trong tổ vay để mua khuôn đúc mới; đồng thời đưa 02 thành viên trong THT tiếp tục đi tham quan mô hình trái cây tạo hình ở một số địa phương khác để về hỗ trợ cho các thành viên. Trong quá trình sản xuất, các thành viên trong THT đã tạo được hình bưởi hồ lô đạt khoảng 75% số trái bưởi tạo hình; 01ha bưởi cho lợi nhuận 1,3 tỷ đồng. Ngoài tạo hình trái bưởi, THT còn tạo hình trên trái đào tiên, tạo chữ trên trái đu đủ,...
Trao đổi với chúng tôi, nhà vườn Bùi Chí Linh cho biết: do ảnh hưởng của 02 đợt mặn (năm 2015-2016 và năm 2019-2020), nên đa số diện tích bưởi năm roi hiện nay ở Ninh Thới bị thiệt hại rất nhiều, các thành viên trong THT hiện chuyển các diện tích bưởi năm roi sang các cây trồng khác, cùng với đó, năng suất và chất lượng trái không cao, nên trong vụ bưởi tạo hình phục vụ thị trường Tết 2020, chỉ sản xuất thành công đưa ra thị trường khoảng 300 trái bưởi tạo hình. Thông thường làm bưởi tạo hình phải có tính đam mê, siêng năng, tỉ mỉ.
Cũng theo ông Bùi Chí Linh, trước tình hình cây bưởi năm roi bị ảnh hưởng mặn hiện nay, bản thân đã nghiên cứu sang tạo hình trên trái bưởi da xanh (hiện nay diện tích bưởi da xanh ở Ninh Thới trên 300ha và đang phát triển mạnh, thay thế cho diện tích bưởi năm roi). Để làm được trên trái bưởi da xanh, đòi hỏi việc đầu tư chi phí mua khuôn khá cao (khoảng 150.000-200.000 đồng/khuôn), nhưng giá bán phải cao hơn sản xuất trên trái bưởi năm roi. Hiện bưởi da xanh loại I có giá từ 30.000-35.000 đồng/kg, thời điểm Tết từ 45.000-50.000 đồng/kg; thời gian bắt tay vào để định hình trên trái bưởi da xanh bắt đầu từ tháng 5 âl, sau 01 tháng các trái bưởi được định hình sẽ đưa vào các khuôn tạo hình. Thời gian trái bưởi nằm trong khuôn (kéo dài khoảng 05 tháng) mới có sản phẩm hoàn thiện và thu hoạch. Dự kiến trong vụ bưởi tạo hình phục vụ Tết năm 2021 sẽ đưa ra thị trường khoảng 150-200 cặp bưởi tạo hình.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.