20/09/2023 07:56
Nhà vườn ở ấp Chông Nô 3, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè luân canh cây màu trên đất lúa chuyển đổi trồng dừa sáp.
Trong 08 tháng năm 2023, huyện Cầu Kè đã thực hiện chuyển đổi 115ha từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái; cải tạo 36,2ha diện tích vườn tạp, kém hiệu quả thành vườn chuyên canh. Nâng tổng diện tích vườn cây ăn trái của huyện đạt 7.976ha và đạt sản lượng hơn 192.454 tấn trái cây các loại.
Nhà vườn Lê Văn Ngộ, ấp Tân Qui 1, xã An Phú Tân cho biết: khoảng gần 03 năm nay, năng suất trái cây của nhà vườn ở cù lao Tân Qui nói riêng và trong huyện Cầu Kè nói chung đều tăng. Riêng gia đình có diện tích vườn chôm chôm 0,8ha, vụ trái cây năm 2023 đã thu hoạch hơn 25 tấn trái/ha; trước đây chỉ khoảng 14 - 15 tấn/ha; ngoài việc nước mặn được quản lý và ngăn chặn tốt qua các cống đầu mối ở các tuyến kênh của cù lao Tân Qui, nhà vườn còn được tiếp cận các nguồn vốn trong hỗ trợ phát triển sản xuất, phục hồi vườn cây ăn trái.
Riêng trên địa bàn xã An Phú Tân có gần 1.400ha vườn cây ăn trái, trong đó, tập trung nhiều vào các chủng loại như: ổi gần 240ha, xoài gần 200ha, mít gần 130ha và chôm chôm trên 110ha…
Theo đồng chí Cao Văn Phụ, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Tân: đối với 02 ấp cù lao Tân Qui 1 và Tân Qui 2 đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất rất mạnh và hơn 70% nhà vườn ở đây gắn chuyển đổi cây trồng với ứng dụng mô hình tưới phun sương; đây là mô hình có hiệu quả kinh tế rất cao, giúp nhà vườn chủ động được nguồn nước tưới và giảm chi phí lao động. Hiện ở 02 ấp cù lao Tân Qui có 110ha chôm chôm, trên 80ha ổi và 60ha mít, đây là 02 cây trồng được các nhà vườn ở cù lao chuyển đổi mạnh từ các diện tích trồng xoài Đài Loan, chôm chôm già cỗi.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế vườn, huyện Cầu Kè đã tập trung triển khai thực hiện các chính sách về tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó, tạo điều kiện cho nhà vườn tiếp cận vốn để ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất (đầu tư xây dựng hệ thống tưới phun sương; xây dựng sản phẩm hữu cơ trên trái cây; xây dựng thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý, mã vùng trồng)…
Đồng chí Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: huyện đang triển khai việc thẩm định 24 dự án hỗ trợ chuyển đổi sản xuất (chủ yếu cây ăn trái), với tổng diện tích 144,4ha/324 hộ. Đến cuối tháng 8/2023, UBND huyện đã phê duyệt 07/24 dự án gồm: 04 dự án trồng mít, 01 dự án trồng dừa, 01 dự án trồng xoài và 01 dự án trồng nhãn, trên địa bàn xã An Phú Tân, diện tích 62,68ha/168 hộ. Hiện nay, diện tích chuyển đổi trồng mít đang mang lại hiệu quả kinh tế rất cao và thời gian từ lúc trồng đến thu hoạch chỉ khoảng 18 - 24 tháng.
Với giá mít hiện được thương lái thu mua từ 30.000 - 32.000 đồng/kg; theo các hộ trồng mít ở Cầu Kè, giá mít ổn định ở mức 20.000 - 25.000 đồng/kg, nhà vườn đã có lời. Các giống mít đang được nhà vườn chọn trồng là mít changai, mít Thái siêu sớm, mít Thái ruột đỏ siêu sớm; trung bình 01ha trồng từ 220 - 250 cây, sau 18 tháng trồng là nhà vườn bắt đầu để trái. Giai đoạn đầu chỉ để 01 trái/cây, do trọng lượng mít khá nặng (trung bình 10 - 15kg/trái) và từ 03 năm tuổi trở lên, có thể để từ 02 - 03 trái/cây.
Nhà vườn Huỳnh Văn Tỷ, ấp Chông Nô 3, xã Hòa Tân chia sẻ: hiện nay giá mít đang tăng mạnh, do thời gian trồng mít không quá dài nên nhà vườn có thể linh hoạt trong xử lý ra trái nếu tình hình giá bán giảm mạnh. Các hộ trồng mít đã chủ động đầu tư khá tốt về kỹ thuật và ứng dụng mô hình tưới phun sương rất hiệu quả.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.