19/11/2022 10:02
Sản phẩm bánh tráng sữa nước cốt dừa Tám Hiền thu hút đại biểu tham quan.
05 năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Cầu Ngang đã hỗ trợ tư vấn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, sản phẩm đạt OCOP cho tổ hợp tác đan giỏ bẹ Thành Công, xã Hiệp Mỹ Đông; cơ sở đậu phộng rang Hải Đăng, xã Long Sơn; Sâm Bố Chính hợp tác xã nông nghiệp Nhật Linh, xã Nhị Trường; bánh tráng sữa nước cốt dừa Tám Hiền, xã Vinh Kim; bánh tét Ba Loan xã Kim Hòa… và đưa sản phẩm của 11 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, triển lãm, sự kiện trong và ngoài tỉnh, góp phần quảng bá sản phẩm khởi nghiệp của huyện, kích cầu tiêu thụ đáng kể. Bên cạnh, Hội LHPN huyện tổ chức hội thảo kết nối doanh nghiệp tạo việc làm cho 35 lao động nữ làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ...
Điển hình như chị Trần Thị Hiền, khởi nghiệp thành công với nghề bánh tráng sữa nước cốt dừa gia truyền ở xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang.
Chị Hiền cho biết: với công thức truyền thống có từ 40 năm do gia đình truyền lại. Tận dụng nguyên liệu dừa sẵn có, ban đầu sản xuất chủ yếu để dùng trong gia đình và tặng hoặc bán lẻ cho người dân xung quanh. Để có thêm thu nhập và đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, năm 2013, chị đầu tư một số trang thiết bị mở rộng quy mô sản xuất và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Năm 2020, chị tham gia vào câu lạc bộ khởi nghiệp của Hội LHPN huyện và được chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh; đồng thời, được Hội LHPN tạo điều kiện tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm qua các cuộc hội chợ thương mại, tọa đàm đối thoại chính sách phát triển doanh nghiệp, đến năm 2018 và năm 2020 sản phẩm bánh tráng sữa nước cốt của gia đình chị được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, từ đó việc tiêu thụ sản phẩm của cơ sở ngày càng phát triển. Đến đầu năm 2022, cơ sở chế biến một số sản phẩm bánh tráng trộn từ tôm khô, đến nay cơ sở có 03 loại sản phẩm đưa ra thị trường và được người tiêu dùng đón nhận; bánh tráng sữa nước cốt dừa của cơ sở đã tham dự 19 lần tại các hội chợ triển lãm thương mại trong và ngoài tỉnh với doanh thu đạt 30 triệu đồng/tháng.
Song song đó, loại hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của hội viên phụ nữ xã Nhị Trường góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thúc đẩy kinh tế của xã phát triển.
Chị Phạm Thùy Linh, Giám đốc HTX nông nghiệp Nhật Linh, xã Nhị Trường cho biết: là xã đặc biệt khó khăn của huyện, có đông đồng bào Khmer sinh sống; kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trước đây, do trên địa bàn xã chưa có cơ sở thu mua hàng hóa nông sản nên việc chuyển đổi sản xuất của người dân gặp không ít khó khăn, giá bán nông sản bấp bênh, biến động không ngừng.
Xuất phát từ thực tế đó, HTX nông nghiệp Nhật Linh ra đời vào năm 2017 với 16 thành viên với vốn điều lệ 216 triệu đồng. Sau 05 năm hoạt động kinh tế hợp tác, HTX ngày càng phát triển đến nay, có 39 thành viên và liên kết hợp đồng thu mua với 05 tổ hợp tác trồng rau củ quả trên địa bàn. Đối với mô hình trồng bắp nếp, HTX liên kết sản xuất 30ha và cung ứng vật tư đầu vào và ký hợp đồng thu mua với giá từ 4.000 - 4.500 đồng/kg, năng suất đạt 15 - 20 tấn/ha/vụ, nông dân đạt lợi nhuận từ 30 - 35 triệu đồng/ha/vụ.
Đối với mô hình sản xuất trà Sâm Bố Chính, từ năm 2021 đến nay, HTX đã đầu tư và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với diện tích 02ha, năng suất đạt 05 tấn/ha, giá bán 150.000 - 200.000 đồng/kg, nông dân đạt lợi nhuận 350 - 400 triệu đồng/ha. Ngoài ra, HTX còn sơ chế, chế biến trà Sâm Bố Chính cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 200 - 300 hộp trà/tháng.
Có được kết quả trên, HTX được địa phương quan tâm, đặc biệt là Hội LHPN huyện hỗ trợ nguồn vốn khởi nghiệp 33 triệu đồng và giới thiệu sản phẩm ở các sự kiện, hội thi do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Hướng tới, HTX tiếp tục liên kết và hợp đồng thu mua sản phẩm rau củ quả của người dân và Sâm Bố Chính; đồng thời mở rộng diện tích sản xuất màu và Sâm Bố Chính nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp nông dân an tâm sản xuất.
Theo bà Trần Thị Thu Thảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cầu Ngang, thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội tích cực vận động hội viên, phụ nữ tham gia xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh, cách làm hiệu quả trong việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đặc biệt chú trọng loại hình kinh tế hợp tác, HTX gắn với liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, qua đó phát hiện, biểu dương các điển hình tiêu biểu nhân rộng. Hướng tới, Hội tiếp tục tuyên truyền thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” đến cán bộ, hội viên phụ nữ. Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” tại các địa phương. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ Hội và hội viên phụ nữ có nhu cầu kinh doanh, khởi nghiệp, sáng tạo.
Khảo sát, lựa chọn đối tượng để tham gia lớp khởi sự kinh doanh, quản lý kinh doanh và có hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Quan tâm công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn; đặc biệt ưu tiên cho các mô hình kinh tế hợp tác, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo hiệu quả, hộ tham gia vào các ngành nghề tạo sản phẩm chủ lực của địa phương. Tranh thủ các nguồn lực đầu tư cơ sở, doanh nghiệp có nhu cầu phát triển.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.