02/01/2025 09:17
Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện NTM Trà Cú thông thoáng, sạch, đẹp.
Năm 2024, huyện Trà Cú công nhận xã Tập Sơn, Long Hiệp đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng đến nay, Trà Cú có 04 xã NTM nâng cao, tập trung củng cố, nâng chất lượng 15/15 xã đạt chuẩn NTM, công nhận thị trấn Trà Cú và thị trấn Định An đạt chuẩn đô thị văn minh. Trong năm, huyện tập trung chỉ đạo, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung XDNTM sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, đoàn thể và quần chúng Nhân dân được 456 cuộc, có 7.307 lượt người tham dự; chỉ đạo hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM nâng cao đối với 02 xã Phước Hưng và Tân Sơn, xã Đại An đạt 05/05 tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, tăng cường thực hiện các hoạt động vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp…
Bên cạnh, huyện đẩy mạnh chỉ đạo phát triển sản xuất, tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị trên cùng đơn vị diện tích đất nông nghiệp phù hợp với lợi thế của từng tiểu vùng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Thực hiện chuyển đổi 203,44ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây, con có giá trị kinh tế cao, từng bước cơ cấu lại mùa vụ, bố trí lại cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch. Hình thành vùng lúa chuyên canh chất lượng cao trên địa bàn các xã Phước Hưng, Tập Sơn, Tân Sơn, Ngãi Xuyên, Ngọc Biên, Tân Hiệp… diện tích trên 10.000ha. Đầu tư xây dựng mô hình lúa Đài Thơm 8, lúa ST25 trên địa bàn xã Ngọc Biên, Tân Hiệp diện tích 400ha/năm. Đưa giá trị sản xuất lúa - màu đạt 167,1 triệu đồng/ha/năm (tăng 16,11 triệu đồng/ha/năm), giá trị sản xuất lúa kết hợp nuôi thủy sản đạt 176,7 triệu đồng/ha/năm (tăng 7,6 triệu đồng/ha).
Bên cạnh, phát triển vùng nuôi thủy sản theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn và đảm bảo môi trường, hình thành vùng nuôi thủy sản tập trung trên địa bàn các xã Kim Sơn, Hàm Tân, Lưu Nghiệp Anh với diện tích 540ha/633 hộ nuôi; tăng cường phát triển thủy sản theo quy mô trang trại, gia trại, chuyên canh, xen canh và phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: cá lóc, cá thát lát, tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cua biển, tôm càng xanh… phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Tập trung chỉ đạo rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch nuôi thủy sản và quy hoạch lại vùng nuôi thủy sản tập trung, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi và hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi thủy sản, góp phần nâng giá trị kinh tế từ thủy sản.
Theo đồng chí Huỳnh Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Cú, năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện cơ bản thuận lợi, các ngành chuyên môn và địa phương chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, vận hành hiệu quả hệ thống các công trình thủy lợi. Đặc biệt, Trạm bơm Kênh 3 Tháng 2 vận hành đảm bảo nước phục vụ sản xuất. Bên cạnh, các chính sách đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiếp tục được quan tâm đầu tư, cơ cấu sản xuất tiếp tục được chuyển đổi phù hợp với từng vùng giúp nâng cao giá trị sản xuất.
Song song đó, các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện được tập trung triển khai quyết liệt. Qua rà soát, đề nghị điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước của các Chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm vốn năm 2022 và 2023 chưa giải ngân hết chuyển sang năm 2024), tổng vốn thực hiện trên 192,7 tỷ đồng (vốn đầu tư 90,4 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 102,3 tỷ đồng), thực hiện giải ngân được 79,5 tỷ đồng, đạt 41,28% dự toán, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, XDNTM trên địa bàn huyện.
Tại hội nghị giao nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025, đồng chí Lê Thanh Bình, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú nhấn mạnh: năm 2025, là năm cuối thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, cũng là năm có nhiều sự kiện quan trọng diễn ra, UBND huyện Trà Cú đề ra các nhiệm vụ trọng tâm: phấn đấu giá trị sản xuất đạt 18.914 tỷ đồng, tăng trưởng 15,12% so năm 2024, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 3.900 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người 72,43 triệu đồng/năm. Giữ vững 100% xã đạt chuẩn NTM, xây dựng xã An Quảng Hữu đạt chuẩn NTM nâng cao, xã Ngọc Biên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu…
Để đạt được những mục tiêu trên, các xã, thị trấn, các ngành tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, quyết liệt ngay từ đầu năm, nhất là vai trò của người đứng đầu, đảm bảo thực hiện đạt và vượt mục tiêu kế hoạch năm 2025 đề ra. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, gia đình và cá nhân tham gia bảo vệ môi trường, trật tự, an toàn giao thông gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 19/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh”, góp phần chỉnh trang đô thị và xây dựng cảnh quan môi trường sạch đẹp, nhất là hướng tới các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025, khí thế vui tươi trong những ngày đầu Xuân mới.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Tháng 5/2024, xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang được Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao năm 2023. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực của cả hệ hống chính trị, trong đó có sự chung sức, chung lòng của đồng bào Công giáo sau khi xã đạt chuẩn NTM vào năm 2018. Phát huy những kết quả đạt được, hiện nay Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Vinh Kim tiếp tục nâng chất các các tiêu chí đạt được, phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong thời gian tới.