28/09/2024 10:41
Hội LHPN xã Nhị Long Phú: nhiều mô hình học tập và làm theo gương Bác
Hội LHPN Nhị Long Phú có 07 chi hội phụ nữ ấp và 03 tổ phụ nữ tại các trường học với hơn 1.430 hội viên hiện đang sinh hoạt tại 27 chi tổ hội. Thực hiện kế hoạch chỉ đạo của Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Càng Long về thực hành tiết kiệm, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hàng năm, Ban Chấp hành Hội LHPN xã Nhị Long Phú xây dựng kế hoạch phát động thi đua thực hành tiết kiệm, tuyên truyền vận động 100% cán bộ, hội viên, phụ nữ nâng cao ý thức đẩy mạnh phong trào thực hành tiết kiệm, giúp nhau khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững.
Đồng chí Trần Thị Huyền Châm, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhị Long Phú cho biết: những năm qua, trong việc học tập và làm theo Bác trên địa bàn xã có 03 mô hình thực hiện đạt kết quả tốt và có tính nhân văn, đó là mô hình “Sinh kế đồng hành cùng phụ nữ vượt khó”, “Ngôi nhà tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ yếu thế và học sinh nghèo” và “Nuôi heo đất nhân đạo”.
Hội LHPN xã Nhị Long Phú ra mắt mô hình “Sinh kế hỗ trợ hội viên phụ nữ khó khăn” với nguồn vốn ban đầu 10 triệu đồng do 02 hội viên phụ nữ đóng góp mỗi người 05 triệu đồng từ việc tiết kiệm chi tiêu hàng ngày. Với hình thức hùn vốn cho mượn không tính lãi để hỗ trợ, giúp đỡ chị em hội viên giải quyết những khó khăn cấp thiết trước mắt như: khám bệnh, chữa bệnh, mua bảo hiểm y tế, mượn vốn làm ăn, phục vụ đời sống… Tùy theo nhu cầu, hoàn cảnh khó khăn của từng hội viên, số tiền mượn từ 02 triệu đồng trở lên, thời gian trả từ 02 tháng trở lên nhưng không quá 06 tháng, vốn được thu hồi sẽ tiếp tục cho các hội viên khác mượn.
Mô hình được thực hiện đầu tiên tại Chi hội Phụ nữ ấp Hiệp Phú, đến nay được nhân rộng thêm Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Hiệp và Chi hội Phụ nữ ấp Dừa Đỏ. Với số tiền tiết kiệm chi tiêu hàng ngày để góp hỗ trợ cho chị em hội viên khó khăn mượn không tính lãi để khám chữa bệnh, buôn bán nhỏ và sử dụng vào các nhu cầu cấp thiết hàng ngày, tránh trường hợp chị em phải vay tại các tổ chức tín dụng đen, tổng số tiền hiện cho mượn trên 40 triệu đồng, giúp đỡ 34 lượt chị em hội viên vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Mô hình “Ngôi nhà tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ yếu thế và học sinh nghèo” của Hội LHPN xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long.
Với chủ đề “Phụ nữ xã Nhị Long Phú - Chung tay bảo vệ môi trường”, Hội LHPN xã Nhị Long Phú xây dựng mô hình “Ngôi nhà tiết kiệm hỗ trợ phụ nữ yếu thế và học sinh nghèo”. Với hình thức tuyên truyền vận động hội viên thu gom phân loại rác thải nhựa, rác tái chế từ gia đình, chị em hội viên phụ nữ thu gom và mang các loại rác thải đến tập kết vào ngôi nhà tiết kiệm. Qua đó, vừa góp phần giải quyết các vấn đề liên quan đến rác thải nhựa trên địa bàn xã và thực hiện nếp sống văn minh, hạn chế sử dụng túi ni-lông và các sản phẩm từ ni-lông thải ra môi trường nhằm bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp và an toàn. Định kỳ hàng tuần, hàng tháng, Hội LHPN xã Nhị Long Phú tiến hành thu gom và bán phế liệu 01 lần, số tiền thu được gây quỹ giúp học sinh nghèo, hỗ trợ phụ nữ bệnh tật hoặc tặng cho các gia đình chính sách khó khăn.
Qua quá trình thực hiện, mô hình mang lại hiệu quả cao; hiện tại, Hội LHPN xã Nhị Long Phú nhân rộng được 03 ngôi nhà tiết kiệm tại 03 ấp: Hiệp Phú, Thạnh Hiệp và Dừa Đỏ 3. Qua gần 01 năm thực mô hình, số tiền thu được từ việc bán phế liệu đến nay trên 6,7 triệu đồng, đã trao tặng 18 suất học bổng và nhiều dụng cụ học tập khác cho học sinh nghèo, đồng thời thăm, tặng quà cho 08 phụ nữ yếu thế, khuyết tật trên địa bàn xã.
Với mô hình “Nuôi heo đất nhân đạo”, Hội LHPN xã Nhị Long Phú tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ với tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ lúc khó khăn, đau yếu và được tập thể hội viên đồng tình thống nhất cao. Mô hình được triển khai thực hiện điểm tại Chi hội Phụ nữ ấp Gò Cà với 09 tổ và 197 thành viên tham gia, có thành lập ban quản lý mô hình với 03 thành viên gồm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm và thư ký.
Với hình thức trong cuộc sinh hoạt lệ của các tổ phụ nữ hàng tháng, ngoài số tiền gởi tiết kiệm, chị em hội viên bỏ thêm tiền nuôi heo đất nhân đạo của tổ (tùy lòng hảo tâm và điều kiện của hội viên bỏ vào heo đất từ 10.000 - 50.000 đồng/chị), 06 tháng họp khui 01 lần. Đến nay, tổng số tiền tiết kiệm từ việc nuôi heo đất của các tổ trên 45 triệu đồng. Số tiền này được sử dụng vào việc thăm bệnh hội viên phụ nữ trên địa bàn xã mắc bệnh hiểm nghèo, thăm bệnh thành viên gia đình hội viên; thăm các trường hợp con hội viên và trẻ em khuyết tật mồ côi bệnh. Đến nay, thăm trên 22 lượt hội viên, trẻ khuyết tật và mồ côi với tổng số tiền hơn 39 triệu đồng. Từ hiệu quả mang lại, mô hình được nhân rộng đến nay toàn xã có 05/07 chi hội có mô hình với 15 tổ và 712 thành viên tham gia.
Hội LHPN xã Tân Bình: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thu nhập thoát nghèo bền vững
Thời gian qua, bằng nhiều phong trào thi đua thiết thực, nhiều giải pháp sáng tạo, Hội LHPN xã Tân Bình tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thu nhập thoát nghèo bền vững, từng bước cải thiện chất lượng cuộc sống cho chị em. Thông qua đó, thu hút, tập hợp đông đảo hội viên, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.
Đồng chí Phạm Thị Kim Thi, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Bình cho biết: nhận thấy nhiều hội viên phụ nữ chưa nhận thức sâu về khoa học - kỹ thuật, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, nên các mô hình sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do vậy, để hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, hàng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN xã Tân Bình xây dựng kế hoạch chỉ đạo các chi hội đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt thực hiện kế hoạch chuyên đề về “tuyên truyền, vận động phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều”.
Đồng thời, huy động các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, vay vốn tín dụng chính sách, hỗ trợ các mô hình sinh kế, phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, kỹ năng bán hàng, đào tạo nghề để tạo việc làm và giới thiệu việc làm giúp chị em có thu nhập ổn định, hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, nhóm sở thích, mô hình phát triển kinh tế phù hợp với từng địa phương. Đến nay, Hội LHPN xã Tân Bình đang duy trì có hiệu quả các tổ nhóm sở thích, tổ hợp tác may mặc, hỗ trợ và nhân rộng 08 mô hình phụ nữ phát triển kinh tế.
Cụ thể như: mô hình gắn lông mi, kết hạt cườm, may gia công, tách hạt điều, đan ghế dây nhựa, đan các vật dụng bằng dây lục bình, gia công hàng thủ công mỹ thuật, gia công hàng thủ công mỹ nghệ... Bằng nhiều hoạt động thiết thực, Hội LHPN xã Tân Bình giúp hội viên phát triển kinh tế, tích cực thực hiện các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”. Hội tín chấp, tạo điều kiện để hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Đông Á để phát triển sản xuất và phương thức làm ăn, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, thực hiện ý tưởng khởi nghiệp phát triển kinh tế gia đình.
Đồng chí Phạm Thị Kim Thi cho biết thêm: một số mô hình, gương điển hình hội viên được Hội hỗ trợ giúp đỡ phát triển kinh tế hiệu quả như chị Bùi Thị Kim Thúy, ấp Thanh Bình là gia đình hộ cận nghèo được Hội hỗ trợ giúp đỡ tiếp cận vốn tín dụng chính sách xã hội và giới thiệu nhận gia công các mặt hàng thủ công mỹ thuật về nhà làm, giúp chị thoát nghèo năm 2021 và vươn lên làm kinh tế giỏi. Chị Trần Thị Thúy Oanh, ấp An Định Cầu là hộ cận nghèo được Hội giúp đỡ vốn sinh kế thoát nghèo năm 2022, đến nay chị mở quán bán cháo dinh dưỡng tại chợ Tân An, xã Tân An cho thu nhập khá. Chị Nguyễn Thị Bé Ba, ấp An Định Giồng là hộ cận nghèo được Hội giúp đỡ vốn tín dụng chính sách và vốn sinh kế để mở rộng mô hình nuôi bò sinh sản và nuôi vịt thịt cho thu nhập ổn định.
Thời gian qua, Hội LHPN xã Tân Bình thực hiện tốt việc lồng ghép cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với XDNTM, Hội tập trung vào tiêu chí “không đói nghèo”, chủ động rà soát, nắm địa chỉ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ, đánh giá, phân loại hộ gia đình hội viên nghèo, tìm hiểu rõ nguyên nhân để có những biện pháp hỗ trợ kịp thời. Tích cực tìm hiểu, nghiên cứu các mô hình sản xuất mới phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và khả năng tham gia của hội viên phụ nữ để tập trung. Trong đó, vừa chú trọng tuyên truyền, vận động phụ nữ phát huy nội lực, khắc phục tư tưởng an phận, trông chờ, ỷ lại, vừa vận động hội viên, phụ nữ phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau thoát nghèo bền vững…
Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật thông tin, chủ động tiếp cận, khai thác các nguồn vốn để hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế của từng hộ tại địa phương. Hiện Hội LHPN xã đang quản lý tốt nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Đông Á, vận động phụ nữ phát huy nội lực từ vốn các mô hình hùn vốn tự giúp nhau… Kết quả, đã huy động được trên 14,885 tỷ đồng, đầu tư cho 447 chị vay.
Cùng với các hoạt động giúp phụ nữ về vốn, Hội LHPN xã Tân Bình vận động, hướng dẫn hội viên phụ nữ có những tư duy mới, cách làm hay trong lao động, sản xuất. Mạnh dạn tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, tập trung khai thác các nguồn lực hỗ trợ phụ nữ tiếp cận thành lập nhiều mô hình tổ phụ nữ phát triển sản xuất góp phần quan trọng vào chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, tiêu biểu như: tổ đan ghế dây nhựa, tổ đan các vật dụng bằng lục bình, tổ hợp tác may mặc, tổ may gia công và kết hạt cườm, tổ gia công các mặc hàng thủ công mỹ thuật, hàng thủ công mỹ nghệ.
Song song đó, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một trong các giải pháp giúp người dân thoát nghèo bền vững, Hội LHPN xã Tân Bình xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành có liên quan giới thiệu 12 hội viên đi làm việc có thời hạn ở các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Từ các hoạt động trên, Hội LHPN xã Tân Bình đã hỗ trợ cho 13 hội viên phụ nữ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 0,68%.
Có thể nói, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình của Hội LHPN xã Tân Bình đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp gia đình hội viên nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Đồng thời, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã Tân Bình nói riêng, huyện Càng Long nói chung.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.