12/08/2024 07:14
Hội viên CCB Mai Văn Tiếp (bên phải), ấp Mỹ Thập chia sẻ quy trình chuyển đổi trồng dừa trên đất lúa kém hiệu quả.
Không những phát huy vai trò tiên phong gương mẫu trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên và Nhân dân tham gia XDNTM, hội viên CCB ấp Mỹ Thập, xã Mỹ Long Bắc gương mẫu đi đầu đóng góp tiền của, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động làm đường nông thôn, góp phần hoàn thành chỉ tiêu NTM kiểu mẫu.
Được cán bộ Hội CCB xã hướng dẫn đến nhà hội viên CCB Mai Văn Tiếp, ấp Mỹ Thập, khi được hỏi về chuyện hiến đất làm đường nông thôn, ông Tiếp bộc bạch: khi mới có gia đình tư riêng được cha mẹ cho vài công đất vừa xây dựng chỗ ở, vừa làm lúa để kiếm sống.
Thời điểm đó, nhà nằm trong cánh đồng sản xuất lúa, đường đi phụ thuộc vào bờ ruộng, do nhiều người đi lại nên bờ ruộng dần dần được mở rộng lối đi. Mỗi vụ sản xuất, do khâu vận chuyển vật tư nông nghiệp và giao thương hàng hóa nên tuyến đường đất bị lún, trũng thấp, thường xuyên bị lầy lội vào mùa mưa và gồ gề vào mùa nắng. Sau đó, ông vận động người dân tham gia đóng góp mua đá cấp phối, tạo điều kiện thuận lợi đi lại vào mùa mưa, năm sau tuyến đường đá cấp phối tiếp tục xuống cấp. Xuất phát từ lợi ích chung của cộng đồng và nhận thấy sự vất vả của gia đình và người dân trong vùng, sau khi địa phương phát động làm đường nông thôn, gia đình ông tự nguyện hiến lần đầu trên 200m2 đất, góp phần nhỏ để cùng địa phương phát triển.
Thời gian gần đây, địa phương tiếp tục phát động phong trào xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, gia đình ông tiếp tục hiến đất để mở rộng tuyến đường nông thôn. Tính đến nay, gia đình ông đã hiến trên 500m2 đất, giờ đây tuyến đường được mở rộng khang trang đi ngang qua khuôn viên gia đình ông giúp đường vào nhà trở nên sáng - sạch - đẹp, người dân nơi đây đi lại phấn khởi hơn.
Không chỉ gương mẫu tiên phong trong hiến đất làm đường nông thôn, ông Tiếp tiên phong trong các phong trào thi đua yêu nước và phát triển kinh tế gia đình. Ông Tiếp cho biết thêm: hơn 10 năm nay, từ khi chuyển đổi luân canh sang lúa - màu, kinh tế ngày càng ổn định. Với 1,5ha đất trồng 02 vụ màu (đậu phộng, bắp) và 01 vụ lúa kết hợp với nuôi bò sinh sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm thu nhập trên 150 triệu đồng.
Những năm đầu chuyển đổi kinh tế gia đình ngày phát triển, nhất là mô hình nuôi bò sinh sản, thời điểm trước đó bò có giá, lợi nhuận cao. Hàng năm, ông bán 04 con, thu nhập lợi nhuận 100 triệu đồng. Kinh tế gia đình ổn định, ông mua thêm đất canh tác và hiện nay đã chia đất cho các con và chỉ còn 0,5ha đất canh tác 02 vụ lúa - 01 vụ màu. Gần đây, do sức khỏe giảm nên ông duy trì đàn bò nuôi 04 con và tập trung chuyển sang trồng 0,5ha dừa mang lại thu nhập bình quân trên 80 triệu đồng/năm.
Đi trên con đường bê-tông mở rộng và thoáng mát đến cánh đồng lúa của ông Nguyễn Văn Kiêu, ngụ cùng ấp hiện đang phát triển tốt từ khi thực hiện chuyển đổi luân canh 01 vụ màu - 02 vụ lúa, thu nhập ổn định.
Ông Kiêu cho biết: với 1,3ha đất sản xuất, ông canh tác 02 vụ lúa hè - thu và thu - đông mùa và 01 vụ đậu phộng. Ngoài ra, ông còn tận dụng 0,4ha đất chuyên trồng đậu phộng, đậu bắp từ 02 - 03 vụ/năm mang lại thu nhập cao. Vụ đậu phộng năm nay nhờ được mùa được giá lợi nhuận 08 triệu đồng/0,1ha. Khi kết thúc vụ đậu phộng, ông trồng đậu bắp, so với đậu phộng, đậu bắp tuy giá bán thấp hơn, khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg, nhưng lợi nhuận tương đương, do chi phí đầu tư trồng đậu bắp ít, thời gian thu hoạch kéo dài, phù hợp với điều kiện thời tiết trong mùa nghịch (mùa mưa).
Song song đó, cùng với người dân trong ấp, gia đình ông Kiêu hiến trên 70m2 đất để làm đường nông thôn. Do tuyến đường đi ngang đất gia đình ông ít nên diện tích hiến không nhiều như những hộ khác. Tuy nhiên với việc làm có trách nhiệm với cộng đồng của gia đình ông đã góp phần phục vụ đi lại của người dân thuận lợi hơn, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đồng chí Võ Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Mỹ Long Bắc cho biết: hiện toàn xã có 176 hội viên CCB, đối với tuyến đường NTM được mở rộng có sự góp sức của 05 hộ dân ấp Mỹ Thập. Chính sự thấu hiểu và đồng lòng và những việc làm ý nghĩa của hộ Mai Văn Tiếp và Nguyễn Văn Kiêu đã lan tỏa rộng khắp trong toàn xã, góp phần tô điểm cho quê hương Mỹ Thập ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.