10/10/2023 09:06
Đồng chí Kiên Thị Sa Mít, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Lạc cho biết: xã có 4.661 hộ với 18.979 nhân khẩu. Đời sống kinh tế của xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản. Xã có đông đồng bào Khmer chiếm 68% sinh sống, hộ nghèo còn 132 hộ, 87 hộ cận nghèo. Phần lớn hộ nghèo không có hoặc thiếu tư liệu sản xuất, chủ yếu thu nhập từ làm thuê trong nông nghiệp, nông thôn, làm việc theo thời vụ sản xuất, thời gian làm việc không nhiều, thu nhập thấp. Do vậy, để thực hiện đạt các tiêu chí NTM nâng cao, nhất là tiêu chí hộ nghèo là một trong những tiêu chí quan trọng, góp phần thực hiện đạt các tiêu chí khác. Chính vì thế, ngay từ đầu năm, xã rà soát các hộ có khả năng thoát nghèo và nhu cầu vay vốn để giúp các hộ có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, Ngân hàng Chính sách xã hội được Chính phủ giao thực hiện các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, xã thành lập ban chỉ đạo, phân công thành viên ban chỉ đạo phụ trách địa bàn, xây dựng kế hoạch triển khai sát với tình hình thực tế, các chính sách được quán triệt đầy đủ trong nội bộ đảng viên từ xã đến ấp, đồng thời tổ chức tuyên truyền phổ biến thông suốt trong quần chúng Nhân dân.
Đến nay, xã khảo sát có 28 hộ có nhu cầu về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, vay vốn chuyển đổi ngành nghề theo chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã triển khai hỗ trợ 24 hộ thực hiện dự án 2 đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (mô hình nuôi bò sinh sản) với tổng số tiền 476 triệu đồng. Đối với dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, xã giao Hội Liên hiệp phụ nữ xã quản lý và hỗ trợ 332 triệu đồng giúp 16 hộ nghèo, cận nghèo ấp Rọ Say, Sóc Ớt thực hiện mô hình nuôi bò sinh sản.
Gia đình ông Sơn Chót, ấp Bổn Thanh, xã Ngũ Lạc là một trong những hộ được hưởng lợi từ dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo và nay đã vươn lên thoát nghèo.
Ông Chót cho biết: nhà nghèo không đất sản xuất, quanh năm sống nhờ làm thuê theo mùa vụ khoảng 200.000 đồng/ngày. Để có điều kiện tham gia sản xuất và từng bước vươn lên thoát nghèo, gia đình ông được địa phương hỗ trợ vốn không hoàn lại 07 triệu đồng và vốn vay 07 triệu đồng để mua 01 con bò sinh sản về nuôi. Ngoài ra, ông còn nhận nuôi bò rẻ để có điều kiện tăng gia sản xuất. Cùng với đó, gia đình ông được địa phương hỗ trợ vốn vay tín chấp từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 40 triệu đồng đầu tư mua bò giống và xây dựng chuồng trại. Nhờ siêng năng lao động gia đình ông có được 03 con bò. Với ông Chót, mặc dù hiện nay giá bò rẻ nhưng điều kiện không đất sản xuất, thiếu vốn nên ông tập trung làm thuê và tiếp tục duy trì phát triển đàn bò.
Gia đình bà Thạch Thị Sô Phanh, ngụ cùng ấp được địa phương hỗ trợ vốn vay 60 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư hố xí hợp vệ sinh và nuôi bò.
Bà Thạch Thị Sô Phanh, ấp Bổn Thanh, xã Ngũ Lạc chăm sóc đàn bò nuôi.
Bà Phanh cho biết: sau khi tư riêng, được cha mẹ cho 0,3ha đất trồng 02 vụ lúa/năm, nhưng kinh tế gia đình vẫn còn thiếu trước hụt sau. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ vốn vay, bà mạnh dạn vay vốn 40 triệu đồng đầu tư nuôi bò sinh sản, sau đó tăng vốn vay thêm 20 triệu đồng xây dựng hố xí hợp sinh. Có điều kiện tăng gia sản xuất, bà ở nhà trồng lúa và cắt cỏ chăm sóc bò nuôi và đưa rước con đi học. Còn chồng bà làm thuê nạo vét vệ sinh ao nuôi tôm thu nhập 250.000 đồng/ngày.
Theo đồng chí Kiên Thị Sa Mít, chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Trong quá trình triển khai thực hiện từng chính sách dự án, đều thông qua bình xét trong Nhân dân để chọn đúng đối tượng hưởng lợi, đảm bảo công khai dân chủ, minh bạch trong Nhân dân. Nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình, dự án được giải ngân kịp thời để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tuy đạt kết quả tích cực nhưng các chương trình chính sách, dự án chờ nguồn vốn phân bổ từ ngân sách Trung ương, của tỉnh, từ đó dẫn đến việc thực hiện dự án tại địa phương còn chậm. Đến nay, qua rà soát, xã giảm 55 hộ nghèo, hiện hộ nghèo của xã chiếm 2,08% và được huyện đánh giá đạt tiêu chí hộ nghèo trong XDNTM nâng cao.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.