24/01/2023 16:47
Ngư dân phân loại cá tại Cảng cá Định An, huyện Trà Cú.
Là huyện vùng sâu, nhiều khó khăn, với trên 62% đồng bào Khmer, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm, kinh tế tăng trưởng thiếu đồng bộ. Tuy nhiên, khoảng 10 năm trở lại đây, đời sống kinh tế của người dân có nhiều chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng được đầu tư phát triển, cảnh quan môi trường nông thôn được quan tâm chỉnh trang, nhà ở dân cư từng bước được nâng cấp, nhiều hộ dân phấn khởi khi đã thực sự thoát nghèo, cuộc sống ổn định. Những đổi thay tích cực minh chứng cho sự phát triển của Trà Cú trong nỗ lực XDNTM.
Đến nay, Trà Cú có 12/15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Dự kiến cuối năm 2022, 03 xã còn lại gồm Ngãi Xuyên, Kim Sơn, Hàm Giang đủ điều kiện được công nhận đạt chuẩn NTM, tạo tiền đề để năm 2023 Trà Cú xây dựng thành công huyện NTM.
Theo đồng chí Dương Văn Triệu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Cú: xác định XDNTM nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn, phát huy những mặt thuận lợi về điều kiện tự nhiên, địa hình, Trà Cú xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là mục tiêu hàng đầu và yếu tố đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Với mục tiêu đó, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng; từng bước cơ cấu lại mùa vụ, bố trí lại cây trồng, vật nuôi, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp theo hướng phát triển lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản. Thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn, góp phần thúc đẩy giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp và nâng giá trị sản xuất bình quân đất nông nghiệp đạt trên 130 triệu đồng/ha/năm.
Nhiều vùng sản xuất màu chuyên canh tại huyện Trà Cú, giúp người dân ổn định thu nhập, nâng cao đời sống.
Nhiều vùng sản xuất tập trung được triển khai như: vùng trồng ớt chỉ thiên, đậu phộng, khoai môn, bắp giống thuộc địa bàn xã Ngọc Biên, Đại An, Long Hiệp, vùng chuyên canh rau an toàn trên địa bàn xã An Quảng Hữu… Nông dân các xã đẩy mạnh thâm canh, luân canh, xen vụ đạt hiệu quả. Song song đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển khá toàn diện, toàn huyện có 04 trang trại, 100 gia trại và 51 hộ nuôi gia súc quy mô từ 500 con trở lên. Lĩnh vực thủy sản tiếp tục phát triển, diện tích mặt nước thả nuôi khoảng 1.700ha/năm, tổng sản lượng khai thác và nuôi thủy sản trên 76.000 tấn/năm.
Toàn huyện có 71 trang trại nuôi thủy sản tập trung nhiều ở các xã Hàm Tân, Đại An, Kim Sơn, Định An, An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh… Các địa phương thực hiện đa dạng hóa đối tượng nuôi, hình thức nuôi nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, rủi ro trong sản xuất. Hình thành mới các vùng chuyên canh nuôi thủy sản, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả như: nuôi tôm thẻ thâm canh mật độ cao tại xã Kim Sơn, Hàm Tân, Định An; mô hình lúa - tôm xã Hàm Tân, Đại An, Kim Sơn, Định An...
Ông Thạch Văn Thuận, ấp Cà Săng, xã Hàm Tân cho biết: thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, đời sống Nhân dân địa phương phát triển hàng năm. Được chính quyền địa phương tuyên truyền, ý thức chung tay XDNTM và chăm lo lao động sản xuất của người dân ngày càng nâng lên. Đặc biệt, ấp được quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi cơ bản hoàn chỉnh, tạo điều kiện tốt cho sản xuất. Hiện nông dân trong ấp mỗi năm sản xuất được 02 vụ lúa xen canh nuôi thủy sản. Nhờ định hướng người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp nên kinh tế hộ ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên đáng kể.
Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, Trà Cú quyết tâm đến cuối năm 2022 xây dựng cơ bản 100% xã đạt chuẩn NTM. Về xây dựng huyện NTM, đến nay Trà Cú đạt 04/09 tiêu chí, gồm: tiêu chí 1 về Quy hoạch; tiêu chí 2 về Giao thông; tiêu chí 3 về Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; tiêu chí 4 về Điện; 05 tiêu chí còn lại, huyện thực hiện cơ bản đạt từ 70% trở lên.
Đồng chí Dương Văn Triệu thông tin thêm: năm 2023, Trà Cú tiếp tục nâng chất các tiêu chí đã đạt, đồng thời, phấn đấu thực hiện các tiêu chí còn lại nhằm xây dựng huyện đạt chuẩn NTM theo nghị quyết. Bên cạnh, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Cụ thể, tập trung chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa. Huy động tốt các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện, xây dựng 07 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; chỉnh trang đô thị, xây dựng cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, tăng cường phòng, chống các biểu hiện suy thoái gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của Nhân dân, Trà Cú tiếp tục phát huy tốt vai trò của cấp ủy, tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thực hiện nhiệm vụ XDNTM, giúp bộ mặt nông thôn Trà Cú ngày càng khang trang, khởi sắc.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.