17/06/2024 14:28
Cán bộ xã, ấp hướng dẫn, vận động gia đình ông Huỳnh Văn Triều (đứng giữa), chồng bà Bé Tư, trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường.
Đồng chí Tạ Văn Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Long Đức cho biết: là xã nông thôn thuộc vùng ven thành phố Trà Vinh, có diện tích tự nhiên trên 3.906ha. Xã có 12 ấp, trong đó có 01 ấp Cù lao Long Trị nằm giữa dòng sông Cổ Chiên. Toàn xã có 5.454 hộ dân, với 20.840 nhân khẩu. Đời sống chủ yếu của người dân là sản xuất nông nghiệp, một phần công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ.
Sản xuất nông nghiệp của xã phát triển ổn định, xã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với trọng tâm đầu tư phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế của xã. Xã khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm theo mô hình trang trại và theo hướng an toàn sinh học, từng bước chuyển đổi vật nuôi phù hợp, hiệu quả. Sản phẩm chủ lực trên địa bàn xã được xác định là gà thịt và dừa; xã có 01 sản phẩm chủ lực có ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc, hiện đã hoàn tất thủ tục về truy xuất nguồn gốc.
Duy trì mô hình trồng hoa lan trong nhà màng, tại ấp Vĩnh Yên. Xã có hợp tác xã nông nghiệp Long Đức, được thành lập vào năm 1992, hiện có 69 thành viên, vốn điều lệ trên 2,4 tỷ đồng. Hợp tác xã đang tập trung một số hoạt động như: cung cấp cây giống nông nghiệp, thu mua dừa, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… tổng doanh thu 02 năm 2022, 2023 đạt 473 triệu đồng.
Về thăm Long Đức những ngày này, nhiều công trình xây dựng, kết cấu hạ tầng được đưa vào sử dụng, đã tạo nhiều thuận lợi trong giao thông, vận chuyển hàng hóa, phục vụ tốt cho mục tiêu phát triển kinh tế của địa phương, theo hướng sản xuất hàng hóa. Chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với XDNTM đã được quan tâm và tập trung chỉ đạo đồng bộ, tập trung chuyển giao khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đã tạo cơ hội cho người dân phát triển kinh tế cho gia đình, nâng cao đời sống.
Theo đồng chí Tạ Văn Nhân: cuối năm 2023, thu nhập trên địa bàn xã đạt gần 75 triệu đồng/người/năm, nhất là đề án phát triển mỗi xã, phường một sản phẩm, hiện xã có 04 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Công tác chăm sóc sức khỏe, dân số, kế hoạch hóa gia đình thực hiện tốt, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và thực hiện chính sách xã hội được quan tâm chỉ đạo bằng những hoạt động thiết thực và có nhiều tiến bộ đáng kể trên các mặt. Kết cấu hạ tầng nông thôn của xã ngày càng hoàn chỉnh, cảnh quan sạch đẹp, điều kiện sống của người dân được cải thiện đáng kể, đặc biệt là cải thiện về giáo dục.
Công tác giáo dục và đào tạo luôn được quan tâm, chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên, cơ sở vật chất phục vụ cho ngành được tăng cường đầu tư. Đến nay, toàn xã có 07/07 trường học có cơ sở vật chất và trang thiết bị đạt chuẩn Quốc gia (trong đó có 05/07 trường đạt chuẩn Quốc gia), với tổng số 88 lớp và 2.599 học sinh. Công tác vận động trẻ 06 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, tỷ lệ học sinh lên lớp các cấp đạt 98% trở lên. Giữ vững đơn vị đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS và phổ cập THPT.
Long Đức là xã anh hùng nơi có đền thờ Bác Hồ, trong chiến tranh Nhân dân xã Long Đức đóng góp sức người, sức của làm nên những chiến thắng vẻ vang, góp phần xây dựng quê hương. Ngày nay, phát huy truyền thống anh hùng, Nhân dân trong xã nhận thức rằng việc XDNTM là cuộc cách mạng “lấy sức dân lo cho dân”. Chính vì thế, người dân nơi đây đồng tình hưởng ứng tích cực, sẵn sàng hiến đất, đóng góp công sức, vật tư,… mở rộng giao thông thay thế những con đất nhỏ hẹp, nắng bụi, mưa lầy ngày nào với số tiền trên 13 tỷ đồng.
Gia đình bà Nguyễn Thị Anh, ấp Công Thiện Hùng, xã Long Đức là 01 trong những hộ dân đã 02 lần hiến đất với gần 1.000m2 để mở rộng đường giao thông của ấp, góp phần tạo cảnh quan môi trường, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Bà Anh cho biết: xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, từng làm công tác giao liên ấp, xã trong cuộc kháng chiến chống Mỹ năm 1967. Vì thế, XDNTM là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, do đó, sau khi xã phát động gia đình bà sẵn sàng hiến đất đang trồng dừa để làm đường nông thôn, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế gia đình, vừa đóng góp công sức cùng địa phương xây dựng hoàn thành tiêu chí môi trường.
Gia đình bà Trần Thị Bé Tư, ngụ cùng ấp cũng hiến gần 650m2 đất trồng dừa để mở rộng đường giao thông liên ấp. Bà Tư cho biết: trước đây, đường của ấp là đường đất, nhỏ hẹp, lầy lội vào mùa mưa. Khi xã triển khai XDNTM, gia đình bà tự nguyện hiến đất để làm đường đal, từ đó đi lại dễ dàng hơn. Tuy nhiên, qua nhiều năm sử dụng đường xuống cấp, lại nhỏ hẹp khoảng 1,5m xe ô-tô không vào được, những trường hợp gia đình có thân nhân bệnh nặng cần cấp cứu. Sau đó, xã phát động mở rộng, gia đình bà tiếp tục hiến đất lần 02, đến nay giao thông của ấp đi lại thuận lợi, tuyến đường được người dân bảo dưỡng nên sáng, sạch, đẹp hơn.
Đồng chí Lê Văn Chờ, Bí thư Chi bộ ấp Công Thiện Hùng cho biết: ấp có 412 hộ, với 1.439 nhân khẩu. Đời sống kinh tế của người dân trong ấp chủ yếu trồng dừa. Từ khi xã triển khai XDNTM kiểu mẫu về môi trường và vận động người dân đóng góp công sức, hiến đất mở rộng đường giao thông. Sau phát động, ấp có hơn 200 hộ dân đồng tình hưởng ứng tham gia hiến trên 2.400m2 đất trồng dừa đang cho trái. Tuyến đường khép kín của ấp được mở rộng, góp phần giúp cho học sinh đi học dễ dàng, việc vận chuyển và giao thương hàng hóa của các thương lái và người dân thuận lợi hơn, giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Kinh tế của ấp ngày càng phát triển, đến nay ấp không còn hộ nghèo; còn 04 hộ cận nghèo.
Đồng chí Tạ Văn Nhân cho biết thêm: xác định XDNTM là quá trình liên tục, lâu dài, phải có bước đi và lộ trình thích hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương. Sau khi Long Đức đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu về giáo dục, xã tập trung xây dựng và phấn đấu đạt thêm tiêu chí kiểu mẫu về môi trường.
Để đạt mục tiêu trên, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần chủ động, tích cực của người dân, vai trò tự quản của cộng đồng trong XDNTM gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh”. Đồng thời, xã chỉ đạo các ngành đoàn thể chăm sóc các tuyến đường hoa, tuyên truyền vận động người dân thực hiện tiêu chí về cảnh quan môi trường xây dựng chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, vệ sinh môi trường tại nhà và xung quanh nhà nhằm tạo môi trường xanh - sạch - đẹp; tham gia thu gom rác thải bỏ đúng nơi quy định, bảo vệ nguồn nước,...
Hướng tới, xã tiếp tục điều chỉnh bổ sung quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, khai thác tốt các nguồn lực; nâng chất lượng các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu, đặc biệt là phấn đấu hoàn thành mục tiêu công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về cảnh quan môi trường trước lễ 02/9/2024.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.