07/02/2022 13:05
Bà Phan Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Quýt đường Thuận Phú (xã Bình Phú) tham quan mô hình quýt đường của thành viên hợp tác xã.
Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (NDSXKDG) thời gian qua trên địa bàn xã An Trường phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn có vốn kinh doanh hàng trăm triệu đồng, thu nhập hàng năm từ vài trăm triệu đồng trở lên, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao đời sống, ổn định xã hội.
Trên địa bàn xã An Trường, so với giai đoạn 2012 - 2016, số hộ có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm tăng gấp 2,5 lần, số hộ có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 4,5 lần, nhiều tấm gương ND vượt khó, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác tiềm năng đất đai, lao động, đầu tư vốn nội lực để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả, trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Điển hình như ND Cao Văn Tám, Dương Thái Hậu và Nguyễn Văn Cường với mô hình trồng lúa, dừa kết hợp, chăn nuôi heo, kinh doanh vật tư nông nghiệp mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 05 - 10 lao động có thu nhập ổn định từ 150.000 - 200.000 đồng/người/ngày, phong trào khích lệ ND có ý thức và quyết tâm không cam chịu đói nghèo, vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng không chỉ cho bản thân, cho gia đình mà còn tích cực giúp nhau cách thức làm ăn, vươn lên trong cuộc sống; tình làng, nghĩa xóm ngày càng bền chặt.
Ông Phạm Văn Phương, Chủ tịch Hội ND xã An Trường, huyện Càng Long cho biết: hàng năm, Ban Chấp hành Hội ND xã An Trường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ND thực hiện phong trào NDSXKDG. Phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức triển khai và tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho ND; kết hợp với ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vốn sản xuất cho nông hộ từ nguồn vay sản xuất kinh doanh để phát triển mô hình. Tập hợp ND vào các loại hình kinh tế, đặc biệt là vào tổ hợp tác và hợp tác xã (HTX) nông nghiệp để sản xuất hàng hóa không bị thương lái ép giá, đồng thời ký kết với các công ty, doanh nghiệp thu mua các sản phẩm sau thu hoạch. Vận động ND chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình tại địa phương, đặc biệt là chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và trồng màu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng. Hàng năm, Hội ND xã lồng ghép tổ chức họp mặt NDSXKDG để rút kinh nghiệm từ các mô hình đã đầu tư, đồng thời nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả trên địa bàn xã để hội viên tham gia.
Để giúp ND nắm bắt thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, những năm qua Hội ND xã Bình Phú tích cực vận động hội viên, ND vào các tổ hợp tác, HTX. Bà Lữ Thị Lan Phượng, thành viên HTX Quýt đường Thuận Phú (ấp Long Trị) phấn khởi: tôi tham gia vào HTX Quýt đường Thuận Phú hơn 18 năm (trước đây là tổ hợp tác). Tôi thấy, tham gia vào HTX, ND được lợi nhiều mặt: không chỉ được cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, các loại vật tư nông nghiệp với giá rẻ hơn so với người sản xuất cá thể, HTX còn là đầu mối giúp ND có nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định, không bị thương lái ép giá; cùng với đó, ND được chuyển giao khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, làm giàu cho bản thân, gia đình.
Bà Phan Thị Thúy Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Quýt đường Thuận Phú cho biết: khi tham gia vào HTX thì tất cả quyền lợi của xã viên điều được đảm bảo. Hiện tại, HTX Quýt đường Thuận Phú có 67 thành viên. Hướng tới, để ND hiểu được kinh tế hợp tác đang trở thành xu hướng tất yếu của kinh tế thị trường, điều quan trọng là phải làm cho từng hộ ND thấy rõ những ưu thế vượt trội của mô hình kinh tế so với làm ăn riêng lẻ, có như vậy mô hình kinh tế tập thể mới thật sự hấp dẫn, thu hút hội viên ND tham gia.
Ông Lê Văn Tám, Phó Chủ tịch Hội ND huyện Càng Long cho biết: phong trào NDSXKDG thời gian qua trên địa bàn huyện tiếp tục có sức lan tỏa trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội nông thôn. Phong trào xuất hiện nhiều ND dám nghĩ, dám làm, tìm tòi, nhân rộng các loại cây, con giống mới, phá vỡ thế độc canh sản xuất các cây, con truyền thống, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Phong trào cũng khuyến khích, động viên ND phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp nhau giảm nghèo, thi đua làm giàu chính đáng. Từ năm 2017, Hội ND huyện chỉ đạo hàng năm mỗi NDSXKDG giúp đỡ từ 01 - 02 hộ nghèo, khó khăn, đến nay đã giúp 750 hộ vượt khó, thoát nghèo. Thời gian tới, Hội ND huyện tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào NDSXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, để phong trào có bước phát triển mới về chất, chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn.
Bài, ảnh: KIM LOAN
* Từ năm 2017 - 2021, huyện Càng Long chuyển đổi trên 2.184,624ha từ đất lúa kém hiệu quả và vườn tạp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. * Diện tích đất trồng lúa duy trì ổn định với khoảng 34.320,71ha, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa tập trung, sản xuất lúa chất lượng cao ở các xã An Trường. An Trường A, Tân Bình, Bình Phú, Phương Thạnh và Mỹ Cẩm, năng suất lúa trung bình hàng năm đều tăng đạt trên 7,2 tấn/ha. * Cơ giới hóa ngày càng được ứng dụng rộng rãi 100% từ khâu làm đất đến bơm tát nước; 95% khâu thu hoạch lúa được cơ giới hóa, áp dụng lò sấy lúa, góp phần bảo quản chất lượng lúa, giảm chi phí, tăng năng suất lao động. * Đến nay, có trên 95% đàn bò sử dụng giống ngoại lai, 100% sử dụng giống heo lai kinh tế, góp phần nâng cao tầm vóc và rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông hộ. * Thủy sản đa dạng về chủng loại, diện tích thả nuôi 1.090ha, bình quân hàng năm ước đạt 11.000 tấn, nhiều mô hình nuôi thủy sản có hiệu quả như: nuôi lươn, ba ba, cua đinh, tôm càng xanh xen trong mương vườn, cá lóc, cá tra. * Diện tích trồng màu và cây ngắn ngày ổn định từ 6.757ha/năm. Các loại được trồng chủ yếu là bắp, khoai lang, đậu phộng, rau đậu các loại. * Cây ăn trái được ND mạnh dạn đầu tư sản xuất, tích cực cải tạo vườn, chuyển đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao như: thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh, cam sành, quýt đường... tạo ra sản lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng và xuất khẩu. * Cây lác không ngừng phát triển, diện tích sản xuất tập trung và ngày càng mở rộng, tạo nguồn nguyên liệu ổn định, đây là mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, giá cả đầu ra ổn định, góp phần tăng thu nhập cao cho nông hộ trên địa bàn. |
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.