30/11/2021 15:01
Mít ruột đỏ, xơ vàng là một trong những loại cây trồng chiếm số lượng lớn với hơn 5.000 cây trong mô hình kinh tế của ông Nguyễn Đức Luân (bên trái), Ấp 5, xã An Trường, huyện Càng Long.
Ông Lê Văn Tám, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Càng Long cho biết: phong trào NDSXKDG, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng là một trong các phong trào lớn do Hội Nông dân Việt Nam phát động, đến nay, phát triển trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trong toàn huyện, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và nông dân tham gia. Mặc dù trong những năm qua, huyện Càng Long gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, song, nông dân vẫn phát huy truyền thống cần cù, chịu thương, chịu khó, quyết chí làm giàu chính đáng cho bản thân và giúp đỡ người khác cùng vươn lên làm giàu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, góp phần xây dựng thành công 13/13 xã nông thôn mới (NTM), huyện NTM.
XDNTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thông qua phong trào NDSXKDG, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở.
Trong 05 năm qua, hội viên, nông dân các cấp trên địa bàn huyện đóng góp trên 3.560 ngày công lao động và hơn 01 tỷ đồng để nạo vét, đào mới hơn 3.029km kênh thủy lợi nội đồng, sửa chữa nâng cấp, làm mới trên 42km đường nông thôn liên xóm, ấp. Hội Nông dân cơ sở khai thác nguồn lực trong hội viên, nông dân hỗ trợ con giống, cây trồng, vật nuôi với tổng trị giá trên 900 triệu đồng, giúp nhau về kinh nghiệm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hàng năm, mỗi NDSXKDG đảm nhận giúp đỡ từ 01 - 02 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua phong trào NDSXKDG, 05 năm qua đã giúp 750 hộ vượt khó, vươn lên thoát nghèo.
Trong quá trình vận động nông dân tham gia XDNTM, Hội Nông dân gắn phong trào NDSXKDG với các hoạt động văn hóa, xã hội như xây dựng gia đình ND đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa NTM; gắn vận động nông dân phát triển sản xuất với phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; giải quyết khiếu kiện của nông dân, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 05 năm qua, Hội phối hợp tổ chức cho nông dân xây dựng gia đình văn hóa NTM và được công nhận với hơn 26.940 hộ, 83,2% so tổng số hộ, 100/111 ấp văn hóa NTM, chiếm 90,09%, 13/13 xã đạt chuẩn NTM và huyện Càng Long được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Hội Nông dân cơ sở phối hợp với các ngành liên quan củng cố, nâng chất các tổ tự quản, tổ dân quân tự vệ, xây dựng các câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, an toàn giao thông.
Ông Huỳnh Văn Khen, ấp Long Trị, xã Bình Phú, huyện Càng Long - nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2017 - 2021 với môi hình kinh tế quýt đường - 01 trong 06 sản phẩm đang đề nghị tỉnh công nhận sản phẩm OCOP năm 2021.
Thông qua hoạt động của các THT, HTX giúp hội viên, nông dân vay vốn, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến với nông dân để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, tận dụng các nguồn lực đất đai, nguyên liệu, vốn, lao động tại địa phương, tạo cách làm ăn mới, hướng đến sản xuất theo nhu cầu của thị trường, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho nông hộ, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị ở cơ sở.
Phong trào NDSXKDG góp phần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng mẫu lớn... từ đó, phát huy thế mạnh của mỗi vùng, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hóa đặc trưng. Điển hình như cánh đồng lác ở xã Đức Mỹ, cánh đồng mẫu lớn vài trăm héc-ta theo vùng sản xuất lúa gạo ở các xã Huyền Hội, An Trường, An Trường A, Tân Bình, Tân An… qua đó tạo điều kiện cho việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên diện tích lớn, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng, gia tăng chất lượng sản phẩm và làm nền tảng cho việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Phạm Văn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Trường, huyện Càng Long cho biết: phong trào NDSXKDG thời gian qua trên địa bàn xã An Trường phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn có vốn kinh doanh hàng trăm triệu đồng, thu nhập hàng năm từ vài trăm triệu đồng trở lên, giải quyết việc cho lao động nông thôn, nâng cao mức sống, ổn định xã hội. Trên địa bàn xã An Trường, so với giai đoạn 2012 - 2016, số hộ có mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm tăng gấp 2,5 lần, số hộ có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 4,5 lần. Có nhiều tấm gương nông dân vượt khó, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng đất đai, lao động, đầu tư vốn nội lực để phát triển những mô hình sản xuất hiệu quả, trở thành những hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.
03 mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 Nhằm tiếp tục đưa phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (NDSXKDG) phát triển theo chiều sâu, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hội Nông dân huyện Càng Long đề ra 03 mục tiêu, đó là: (1) Nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, nông dân về các chủ trương, đường đối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và những cơ hội, thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế. Xây dựng ý chí, lòng quyết tâm vượt qua nghèo khó vươn lên làm giàu, phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững, hạn chế tái nghèo. (2) Đưa phong trào NDSXKDG phát triển theo chiều sâu, làm cơ sở cho việc đưa nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và kêu gọi đầu tư, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn hướng nhanh tới liên kết sản xuất, góp phần xây dựng nông nghiệp hàng hóa mạnh, có sức cạnh tranh cao trên thị trường, dựa trên cơ sở phát huy các lợi thế về nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên kết hợp với sử dụng khoa học và công nghệ nông nghiệp tiên tiến. (3) Hàng năm, tuyên truyền phát động 100% hộ nông nghiệp, có trên 60% số hộ nông dân đăng ký phấn đấu và có trên 55% số hộ đạt danh hiệu NDSXKDG các cấp. |
Điển hình như hộ ông Nguyễn Đức Luân, hội viên nông dân Ấp 5, xã An Trường. Ông Nguyễn Đức Luân cho biết: quê tôi ở huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, quê vợ tôi ở Ấp 5, xã An Trường. Nhà tôi ở Bến Tre có nghề truyền thống bán các loại cây giống. Lúc mới lập gia đình đời sống còn khó khăn. Qua tìm tòi, nghiên cứu, thấy vùng đất An Trường rất thuận lợi cho việc trồng và nhân giống cây con nên vợ chồng tôi quyết tâm làm giàu trên vùng đất này.
Năm 2019, tôi bắt đầu thực hiện mô hình ươm, trồng cây giống thông qua kỹ thuật chiết cành, tháp cành, ghép cành để tạo ra các giống cây cho năng suất cao, cung cấp cho thị trường trong tỉnh Trà Vinh và tỉnh Bến Tre. Khi chúng tôi về An Trường lập nghiệp, nhờ nguồn vốn hỗ trợ ban đầu của gia đình, đến nay chúng tôi đã mở rộng diện tích trồng cây giống được khoảng 2,5ha, với khoảng 10.000 các loại cây trồng chủ lực như: mít ruột đỏ xơ vàng, vú sữa hoàng kim, vú sữa tứ quý, vú sữa mica, sầu riêng, ổi rubi… tùy theo mỗi loại cây mà có giá thành khác nhau. Mô hình kinh tế của gia đình tuy mới đầu tư được hơn 02 năm nhưng bước đầu cho kết quả rất khả quan.
Ông Lê Văn Tám cho biết thêm: phong trào NDSXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trong những năm qua đã khẳng định vị thế của kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong việc giữ vững ổn định kinh tế - xã hội. Để phong trào tiếp tục có bước phát triển mới về chất, đòi hỏi cán bộ, hội viên, nông dân phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao quyết tâm đổi mới, ý chí làm giàu, sáng tạo, phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế; đồng thời, cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong việc hỗ trợ những chính sách, những hành động cụ thể để động viên cán bộ, hội viên, nông dân tích cục thi đua làm giàu cho gia đình, cho xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của huyện.
Bài, ảnh: KIM LOAN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.