10/04/2022 09:44
Cán bộ nông nghiệp huyện, xã tham quan rẫy hẹ của nông dân Kiên Thơ.
Việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sang cây trồng phù hợp kinh tế cao hơn cây lúa gấp 03 - 04 lần. Thời gian qua, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành đã đẩy mạnh chuyển đổi đất lúa sang trồng rau màu các loại, chủ yếu rau ăn lá, nhằm nâng cao sản xuất và thu nhập cho nông dân.
Để chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, trở thành hiệu quả thời gian gần đây ông Kiên Thơ, ấp Trì Phong, xã Hòa Lợi ngoài duy trì trồng rau ăn lá, trồng hẹ giống bán để nâng cao thu nhập. Ông Thơ cho biết: hơn 05 năm qua, từ khi chuyển đất trồng lúa sang trồng rau cải các loại để bán, thu nhập nâng lên rõ rệt, cao gấp 03 - 04 lần so với trồng lúa. Ban đầu ông chuyển đổi 1.000m2 đất lúa sang trồng rau ăn lá, lợi nhuận đạt 05 - 07 triệu đồng/đợt/1.000m2.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ chuyển đổi mang lại cao nên ông chuyển đổi lên 2.000m2. Gần đây, ông tập trung chọn cây hẹ là cây trồng chính để phát triển kinh tế gia đình. Trồng hẹ đầu tư vốn thấp nhưng cho thu nhập cao. So với cây trồng khác, hẹ trồng lưu gốc, chỉ cần trồng một lần có thể thu hoạch đều đặn ở các tháng tiếp theo và có thể thu hoạch gần như quanh năm, giá bán luôn ổn định so với các loại rau ăn lá khác.
Theo ông Thơ, hẹ là cây trồng không chịu hạn nên cần tưới đầy đủ nước, vì vậy, ông đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm dạng phun. Để có hẹ bán mỗi ngày và tránh tình trạng “đụng hàng dội chợ”, mỗi đợt xuống giống ông trồng nhiều liếp, mỗi liếp cách nhau vài ngày để thu hoạch xoay vòng, nhờ vậy đều đặn ngày nào ông cũng có hẹ để để bán. Khi hẹ cho thu hoạch, bình quân ông thu từ 30 - 100kg/ngày tùy theo thị trường, giá bán dao động từ 10.000 - 13.000 đồng/kg. Chi phí trồng hẹ chủ yếu phân chuồng và phân lân, hẹ thường ít bị sâu bệnh, thị trường tiêu thụ dễ, thu nhập ổn định. Không chỉ vậy, hẹ là cây trồng lưu gốc nên hàng năm ông không tốn chi phí đầu tư cây giống ban đầu.
Ông Thơ cho biết thêm: khoảng 01 tháng trồng hẹ bắt đầu cho thu hoạch và liên tục kéo dài có thể gần quanh năm cho đến khi ông nhận thấy gốc hẹ bắt đầu chậm phát triển và năng suất thấp, ông chuyển sang bán gốc hẹ giống, giá từ 500.000 - 600.000 đồng/liếp, tổng thu nhập 50 - 70 triệu đồng hẹ giống/1.000m2. Từ khi chuyển sang trồng hẹ, kinh tế gia đình ngày càng phát triển, nhất là nhờ trồng hẹ giống bán cuối đợt, thu nhập cao. Ngoài tập trung trồng hẹ ông Thơ phát triển đàn bò sinh sản 04 con, mỗi năm xuất bán từ 01 - 02 con, lợi nhuận hơn 10 triệu đồng/con.
Từ mô hình trồng hẹ hiệu quả của nông dân Kiên Thơ, năm nay nông dân Châu Duy Hiển, ấp Chăng Mật, xã Hòa Lợi đã tìm hiểu và mua cây giống hẹ về trồng 2.000m2. Sau đó, ông Hiển nhận thấy trồng hẹ nhẹ công chăm sóc, đầu ra ổn định, ông thuê thêm 3.000m2 và mua hẹ giống về trồng tiếp. Theo ông Hiển, tuy mới trồng đầu tiên nhưng so với cây trồng khác hẹ dễ chăm sóc, thị trường đầu ra ổn định. Chi phí đầu tư cây giống ban đầu cao nhưng sau vụ đầu tiên, ông tự chủ được cây giống.
Hơn nữa cây hẹ trồng thu hoạch đều đặn hàng tháng nên đã thu hồi vốn và lợi nhuận từ 10 - 15 triệu đồng/1.000m2. Tuy trồng hẹ nhẹ công chăm sóc, nhưng đòi hỏi người trồng phải chăm sóc kỹ, nhất là nước tưới cần cung cấp đầy đủ, thường xuyên làm sạch cỏ quanh gốc hẹ để đảm bảo cây đầy đủ chất dinh dưỡng, lá xanh tốt, bán được giá cao.
Theo ông Nguyễn Mạnh Thái, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành, từ khi thực hiện chuyển đổi, giá trị cây màu mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 03 - 04 lần. Việc chuyển đổi không chỉ giúp tăng giá trị sản xuất, còn tiết kiệm nguồn nước, cải tạo đất. Những năm qua, trên địa bàn huyện có nhiều nhiều mô hình và cây trồng chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng vùng chuyển đổi rau ăn lá, rau ăn quả tại địa bàn xã Hòa Lợi tăng gần 20 triệu đồng/ha so với trồng lúa.
Tuy nhiên, để đầu ra sản phẩm nông sản ở những vùng chuyển đổi ổn định, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi trên đất lúa sang cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững; đồng thời vận động nông dân tham gia tích cực vào các tổ hợp tác theo hướng an toàn, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, cạnh tranh thị trường.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.