05/04/2023 07:28
Nông dân Thạch Nạy (bìa trái) phấn khởi thu hoạch vụ bí đỏ đạt hiệu quả.
Trong đó, phong trào “nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” luôn được các cấp Hội quan tâm. Năm 2022, các cấp Hội tuyên truyền, vận động phát động 11.080 hộ đăng ký nông dân thi đua sản xuất giỏi, cuối năm bình xét có 6.107 hộ đạt; trong đó, 04 hộ đạt cấp Trung ương, 57 hộ đạt cấp tỉnh, 493 hộ đạt cấp huyện và 5.529 đạt cấp cơ sở.
Là xã vùng sâu, đông đồng bào Khmer, trước đây kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội của xã Hàm Giang còn nhiều yếu kém, đời sống người dân khó khăn, nhất là đất bị nhiễm phèn mặn, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Những năm gần đây, được quan tâm từ các cấp, các ngành trong thực hiện XDNTM, trong đó có tiêu chí liên quan chuyển đổi sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân, nông dân trong xã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2022, tổng diện tích gieo trồng đạt 4.192ha, đạt 108% so kế hoạch, trong đó, 3.044ha lúa, cây màu thực hiện được 1.229ha. Triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 280 hộ, diện tích 34ha; chuyển đổi 35ha đất sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao. |
Bí đỏ là cây màu có thế mạnh của nông dân xã Hàm Giang, với diện tích trồng năm 2022 đạt 41,5ha, đầu năm 2023 người dân tiếp tục trồng bí đỏ với diện tích hơn 15ha và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nông dân Thạch Nạy, ấp Nhuệ Tứ A rất phấn khởi khi thu hoạch trên 6.000m2 bí đỏ, năng suất gần 1,4 tấn/1.000m2. Ông cho biết: vụ bí năm nay đạt năng suất, chất lượng nên đầu vụ trồng được thương lái bao tiêu 5.500 đồng/kg, nay bán được 5.700 đồng/kg. Với chi phí đầu tư gần 30 triệu đồng, tôi bán được hơn 50 triệu đồng, sau hơn 02 tháng trồng, lợi nhuận trên 20 triệu đồng.
Ngoài bí đỏ, nông dân Hàm Giang còn trồng bắp, dưa hấu, đậu phộng, khổ qua, dưa leo, hành lá... tuy nhiên, do một số khu vực đất trũng, mùa mưa nước ngập, nên chủ yếu trồng 02 vụ lúa và 01 vụ màu. Những khu vực đất cao, nông dân trồng màu nhiều hơn bởi thu nhập từ cây màu cao hơn trồng lúa.
Đồng chí Ngô Hoàng Huynh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Giang cho biết: nông dân Hàm Giang có thế mạnh trồng màu cộng với tính cần cù chịu khó, kinh tế gia đình đã phát triển đáng kể. Chính quyền địa phương gắn kết, định hướng nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả nên đời sống người dân ngày càng khá lên.
Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế địa phương vốn khó khăn, một vài khu vực đất sản xuất kém màu mỡ, hiệu quả không cao. Do đó, chính quyền và các hội đoàn thể tiếp tục định hướng, hỗ trợ người dân sản xuất hiệu quả. Xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực bền vững, có nhiều hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn.
Song song với phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, hoạt động hỗ trợ giảm nghèo trong hội viên, nông dân được các cấp Hội đẩy mạnh thực hiện. Theo đồng chí Giang Na Rông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trà Cú: Hội Nông dân huyện chỉ đạo các cơ sở thực hiện nhiều hình thức giúp đỡ hội viên thoát nghèo bằng các hình thức hỗ trợ vốn sản xuất, vận động nông dân tham gia các dự án sản xuất hiệu quả, đỡ đầu hội viên nghèo, tập hợp hội viên, Nhân dân vào các loại hình tổ hợp tác… giúp hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Năm 2022, thông qua hình thức cho mượn đất sản xuất, hỗ trợ vật tư, cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật, Hội đã hỗ trợ giảm 62 hộ nghèo và giúp nhiều hộ vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Ngoài chăm lo lao động sản xuất, nông dân tích cực tham gia hoạt động Hội và chung tay XDNTM, tích cực thực hiện các phong trào do địa phương phát động như: vệ sinh môi trường, xây dựng gia đình văn hóa, nông thôn mới, đóng góp đất, cây cối, ngày công xây dựng cầu, đường nông thôn... Qua đó, các cấp Hội tham gia sửa chữa 4,3km đường đal, phát quang bụi rậm đường nông thôn 67,4km, sửa chữa 03 cầu bê tông, hiến 8.466m2 đất, đóng góp 812 ngày công lao động thực hiện các công trình, phần việc tham gia XDNTM.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và XDNTM đã tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân Trà Cú cũng như các địa phương khác trong tỉnh. Qua đó, người dân tích cực vào cuộc chung tay góp sức cùng địa phương thực hiện và duy trì các tiêu chí NTM đã đạt. Đặc biệt, đoàn kết tương trợ giúp nhau, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.