16/12/2020 07:02
Thành viên tổ hợp tác nuôi tôm thẻ chân trắng ấp Giồng Lớn B, xã Định An trao đổi về việc xử lý ao nuôi.
Theo ông Nguyễn Minh Thiện, Chủ tịch Hội ND xã Định An: là xã vùng sâu, trước đây kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội của Định An, đời sống người dân khó khăn, nhất là đất bị nhiễm mặn, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả. Tuy nhiên, những năm gần đây, được quan tâm từ các cấp, các ngành trong thực hiện các tiêu chí XDNTM, trong đó có chuyển đổi sản xuất, nâng cao đời sống Nhân dân, ND trong xã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản giúp mang lai hiệu quả kinh tế cao.
Xã Định An hiện có 563 hội viên ND, trong đó có 220 hội viên nòng cốt, tích cực trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tham gia hoạt động Hội và chung tay XDNTM, tích cực thực hiện các phong trào do địa phương phát động. Hơn 05 năm qua, ND trong xã đẩy mạnh chuyển đổi nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đời sống người dân địa phương ngày càng phát triển. Nhằm góp phần chăm lo đời sống người dân, UBND xã Định An tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, bố trí lại cây trồng vật nuôi phù hợp với từng vùng sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Hàng năm đều vận động người dân chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi thủy sản và khẳng định thủy sản là thế mạnh của xã Định An với các con nuôi chủ lực là tôm thẻ chân trắng và cá lóc.
Năm 2020, ND trong xã đã chuyển đổi 15,2ha đất lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản. Nhằm giúp ND nắm được các quy trình nuôi tôm, Hội ND xã đã phối hợp ngành chuyên môn tổ chức 04 lớp tập huấn, có 106 hội viên tham gia tiếp thu kỹ thuật mới trong nuôi tôm, giúp đạt hiệu quả cao. Hiện toàn xã có trên 200 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 29,7ha, sản lượng tôm thương phẩm đạt trên 500 tấn, lợi nhuận trên 20 tỷ đồng, trong đó có nhiều hộ lợi nhuận 300-500 triệu đồng/năm. Riêng cá lóc đạt sản lượng hàng ngàn tấn nhưng giá xuống thấp, nhiều hộ nuôi bị lỗ.
Trao đổi với ND Lê Văn Ấm, Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi tôm thẻ chân trắng ấp Giồng Lớn B, ông cho biết: tổ có 07 thành viên nhưng có khoảng 25 ao nuôi tôm, năm nay, tuy ảnh hưởng của dịch bệnh, lợi nhuận từ nuôi tôm thẻ chân trắng không nhiều nhưng không ai bị lỗ, cuộc sống cơ bản ổn định. Các thành viên trong tổ quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong quá trình nuôi tôm, hộ nào thu hoạch bán đạt lợi nhuận cao, tất cả thành viên đều rất mừng. Vụ nuôi đầu năm tất cả các thành viên đều thu lợi nhuận từ 30-50 triệu đồng/hộ, còn vụ nuôi vừa rồi, sản lượng không cao nên lợi nhuận không nhiều.
Theo ông Hà Kim Huynh, Chi hội trưởng ND dân ấp Giồng Lớn B thông tin thêm: những năm trước, đa số người dân trong ấp trồng mía, sau nhiều năm thua lỗ, cuộc sống khó khăn, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi thủy sản, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Tuy lợi nhuận từ tôm thẻ chân trắng không cao nhưng vốn đầu tư ít hơn nuôi cá lóc nên rủi ro ít hơn.
Phát triển nuôi thủy sản, ngoài mang lại hiệu quả kinh tế cho hộ nuôi còn giúp giải quyết việc làm cho nhiều người dân địa phương với thu nhập ổn định như nuôi tôm thuê, chở thức ăn, thu hoạch tôm, sên bùn đáy ao… Ông Nguyễn Minh Thiện cho biết thêm: nhận thấy hiệu quả từ nuôi tôm, Hội ND xã phát động hội viên thành lập 02 tổ hợp tác nuôi tôm thẻ chân trắng với 11 hội viên tham gia, các thành viên cùng thống nhất lựa chọn con giống phù hợp, mua thức ăn, thuốc, hỗ trợ nhau trong quá trình nuôi nên các vụ đều đạt hiệu quả. Tuy nhiên, do nằm trong Khu Kinh tế Định An nên xã không được đầu tư điện phục vụ sản xuất, điều này gây khó khăn cho nhiều hộ khi phát triển nuôi tôm theo hình thức công nghiệp.
Song song với nuôi trồng thủy sản, xã Định An còn phát triển khai thác biển, sản lượng từ đầu năm đến nay đạt gần 3.300 tấn, nhờ đó, người dân địa phương có thêm việc làm, thu nhập ổn định, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo. Bên cạnh, hội viên ND trong xã tích cực thực hiện các tiêu chí XDNTM, trong đó, nâng chất câu lạc bộ “chung sức XDNTM” và câu lạc bộ “nông dân 03 tốt” tại Chi hội ấp Bến Tranh, góp phần tích cực trong tuyên truyền, vận động hội viên, ND chung tay XDNTM. Vận động hội viên, ND tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình văn hóa, nông thôn mới, tổ chức nhiều đợt ra quân thực hiện vệ sinh đường nông thôn, trồng hoa trên các tuyến đường… đặc biệt, địa phương luôn quan tâm hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, giúp nâng cao đời sống, vận động người dân vừa phát triển kinh tế gia đình và góp sức cùng chính quyền địa phương duy trì, nâng cao các tiêu chí XDNTM đã đạt.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.