17/11/2021 08:08
Năm nay, đến thời điểm này, bằng sự nỗ lực của các cấp, các ngành; bằng nhiều nguồn vốn, những điểm, đoạn đê biển sạt lở đã được khắc phục; những đoạn đê biển mới đã, đang đầu tư cũng từng bước hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Nông dân ấp Bào, xã Hiệp Thạnh thu hoạch củ cải trắng.
Trao đổi cùng chúng tôi, ông Lê Vũ Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh cho biết: cuối tháng 12/2020, do triều cường dâng cao, làm cho tuyến đê biển trên địa bàn xã Hiệp Thạnh bị sạt lở và làm hư hỏng hoàn toàn nhiều đoạn đê. Ngay sau khi sự cố xảy ra, nhằm kịp thời khắc phục, từ nhiều nguồn vốn, nhiều nguồn lực, Đảng ủy, UBND xã Hiệp Thạnh đã tập trung lãnh đạo khắc phục kịp thời.
Hiệp Thạnh có 8,3km bờ biển cần thực hiện tuyến đê bao phòng hộ, phục vụ sản xuất và đời sống của người dân. Đến nay, Hiệp Thạnh đã hoàn thành 5,8/8,3km (kể cả đoạn khắc phục sau khi sạt lở) hoàn thiện, đưa vào sử dụng, còn 2,5km đang tiếp tục triển khai. Nhờ tuyến đê biển từng bước hoàn thành, giúp người dân an tâm sản xuất, nhất là diện tích màu, nuôi thủy sản. Đặc biệt, nhằm giúp Hiệp Thạnh thực hiện hiệu quả Quyết định số 2368/QĐ-UBND, ngày 13/12/2013 về thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ Hiệp Thạnh về phát triển kinh tế năm 2021, phát huy thế mạnh của xã ven biển, cây màu ở một số diện tích đất giồng cát, 10 tháng năm 2021, ngoài tập trung khắc phục, làm mới các đoạn, tuyến đê biển, Hiệp Thạnh còn được đầu tư nhiều nguồn vốn, từng bước hoàn thành kết cấu hạ tầng, phục vụ nhu cầu dân sinh, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Theo đó, Hiệp Thạnh tiếp tục đầu tư xây mới 03 tuyến đường đal, dài 3,3km, nâng tổng số toàn xã có 32,8/46,256km được cứng hóa, đạt 70,92%. Trong đó, có nhiều tuyến đal quan trọng, huyết mạch, phục vụ nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế biển: đường đal ven đê quốc phòng đến Chồi Đôi, dài 0,8km, thuộc ấp Bào; đường nhựa từ đê quốc phòng đến cầu Rạch Cạn, dài 1,8km, thuộc ấp Bào... Mặt khác, Hiệp Thạnh đang đẩy nhanh tiến độ xây mới 0,8km đường trục chính nội đồng, nâng tổng số toàn xã có 4,22/4,62km đường nội đồng được cứng hóa, đạt 91,34%...
Chính nhờ từng bước “khép kín” đê biển, hoàn thành nhiều tuyến đường liên ấp, liên xã, nên giúp kinh tế, nhất là lĩnh vực sản xuất của người dân Hiệp Thạnh không ngừng phát triển và hiệu quả. Được biết, giá trị sản xuất 10 tháng đầu năm 2021 của xã Hiệp Thạnh đạt 777,66 tỷ đồng, đạt 69,58% so với nghị quyết năm 2021 (so cùng kỳ tăng hơn 132 tỷ đồng). Trong đó, thủy sản đạt 393,955 tỷ đồng, tăng 39,676 tỷ đồng, đạt 85,96% so với nghị quyết; tiểu thủ công nghiệp 147,5 tỷ đồng, tăng 31,8 tỷ đồng, đạt 66,89% so với nghị quyết; xây dựng cơ bản 130,678 tỷ đồng, tăng 64,705 tỷ đồng, đạt 49,31% so với nghị quyết; thương mại - dịch vụ 95,9 tỷ đồng, giảm 3,4 tỷ đồng, đạt 61,87% so với nghị quyết (nguyên nhân giảm do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thực hiện giãn cách xã hội).
Lĩnh vực nông nghiệp tuy mức tăng trưởng và đạt giá trị không cao so với giá trị sản xuất chung của xã, nhưng điểm nhấn là một số cây trồng, vật nuôi của người dân ven tuyến đê biển đã được phục hồi theo hướng an toàn và bền vững. Trong 10 tháng đầu năm 2021, về nông nghiệp, nông dân trong xã Hiệp Thạnh đã xuống giống 89,6ha rau màu các loại. Trong đó, rau các loại 23,6ha, cà tím 11,6ha, dưa hấu 6,3ha, hành tím 12,9ha, đậu phộng 7,2ha, củ cải trắng 7,7ha… sản lượng chung hơn 2.248 tấn, đạt 84,2% so với nghị quyết năm 2021.
Được ông Lê Vũ Khanh giới thiệu, chúng tôi đến thăm và tìm hiểu một số hộ sản xuất màu nằm cặp tuyến đê biển. Ông Bùi Văn Quận, ngụ ấp Bào cho biết: gia đình có 2.000m2 đất giồng cát, những năm trước bỏ hoang, vì sóng biển, cát bay không thể sản xuất được cây màu. Nhưng, năm nay, ông đã trồng được 03 vụ củ cải trắng, năng suất khá cao. Ở 02 vụ trước, giá củ cải trắng gần 15.000 đồng/kg, vụ này giảm còn 10.000 đồng/kg. Với giá này, đã giúp nông dân có diện tích đất ven tuyến đê biển có thu nhập hơn 80 triệu đồng/ha/năm. Với các tuyến đê hiện có, tin rằng trong thời gian tới, nông dân sẽ phát triển cây trồng, nhất là các loại cây màu hiệu quả.
Thông qua các mô hình sản xuất, góp phần giảm nghèo có hiệu quả, nhất là nhờ tập trung các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp... đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập ổn định. Thu nhập bình quân đầu người của người dân Hiệp Thạnh đạt 60 triệu đồng/năm, hộ nghèo còn 1,11%. Hiện Hiệp Thạnh được đầu tư điện gió, đang trong giai đoạn hoàn thành 18 trụ tua-bin, dự án đang trong giai đoạn thực hiện kéo đường dây cáp ngầm, nhà điều hành và các công trình phụ khác đây là điều kiện, động lực để phát huy diện tích màu các ấp ven biển, gắn với du lịch trong tương lai.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.