10/06/2022 17:13
Tuy nhiên, do tiếp giáp với vùng ven biển nên nguồn nước ngọt trong canh tác gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH), thường chịu ảnh hưởng khô hạn, mặn xâm nhập... Vì vậy, trong sản xuất được địa phương xây dựng các mô hình canh tác phù hợp, vừa thích ứng với BĐKH vừa gắn với chuỗi giá trị trong liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Lao động tại địa phương tham gia chăm sóc cây giống tại nhà lưới của anh Thạch Ri.
Nông dân Thạch Ri, ngụ ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc chia sẻ: gia đình chuyên trồng màu, từ năm 2015 đến nay, do điều kiện canh tác gặp nhiều khó khăn về thời tiết cũng như nguồn nước tưới, từ đó gia đình đầu tư làm nhà lưới kết hợp tưới phun để chuyên sản xuất cây giống. Với diện tích hơn 1,6ha, trong đó nhà lưới ương cây giống có diện tích trên 0,7ha, hàng năm cung ứng ra ngoài thị trường khoảng 2,5 triệu cây giống các loại như ớt, cà chua… Sản xuất cây màu trong nhà lưới tạo hiệu quả rất lớn, giúp nông dân chủ động mùa vụ và hạn chế chi phí về phòng, chống các sâu bệnh gây hại; nhất là vào thời điểm khô hạn từ tháng Giêng đến tháng 4 hàng năm, lượng nước ngầm thường thiếu hụt nên các giếng khoan khó đáp ứng đủ nguồn nước cho nông dân vào vụ sản xuất bơm tưới đồng loạt.
Chị Thạch Thị Kan Ra, ấp Bổn Thanh, xã Ngũ Lạc được Dự án Thích ứng biến đổi khí hậu đồng bằng sông Cửu Long (Dự án AMD) đầu tư xây dựng mô hình tưới phun (1.000m2) từ năm 2018, hiện nay, mỗi năm gia đình chị Kan Ra sản xuất từ 03 - 04 vụ màu như hành lá, cải ngọt, rau cần… cho thu nhập từ 13 -15 triệu đồng/vụ.
Theo chị Nguyễn Nữ Lâm Ức Mi, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải: mô hình trồng màu sử dụng hệ thống tưới phun nhằm thích ứng BĐKH, kết hợp với sinh kế bền vững đã phát huy được hiệu quả kinh tế hộ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo. Qua đó, giúp chị em tận dụng được thời gian lao động nông nhàn kết hợp với nguồn vốn giúp nhau trong hội viên (từ 03 - 05 triệu đồng) để làm kinh tế (trồng màu). Hiện trong hội có 16 hội viên được đầu tư mô hình tưới phun sương để trồng màu (diện tích dao động từ 0,1 - 0,15ha/hộ), chủ yếu là trồng các loại màu ngắn ngày.
Xây dựng chuỗi giá trị thông qua việc phát triển mô hình sinh kế bền vững (trồng màu thích ứng biến đổi khí hậu) ở xã Ngũ Lạc nhằm giúp nông dân vừa an tâm trong sản xuất, vừa nâng cao được chuỗi giá trị kinh tế của cây màu và hướng đến quy mô sản xuất tập trung, ổn định về sản lượng, năng suất.
Ông Lê Thanh Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngũ Lạc cho biết: tính đến cuối tháng 5/2022, trên địa bàn xã đã xây dựng được 21 tổ hợp tác kinh tế, có 310 thành viên do Hội Nông dân quản lý. Trong đó, có 14 tổ hợp tác chuyên trồng màu, với tổng diện tích gần 350ha. Những năm qua, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng 13 nhà lưới trồng màu cho nông dân ở các ấp Rọ Say, Thốt Lốt, Sóc Ruộng và Bổn Thanh, với diện tích 1.000m2/nhà lưới. Trên 80% lượng rau màu của nhà lưới được các tổ hợp tác, hợp tác xã ở Ngũ Lạc liên kết, thu mua sản phẩm.
Cũng theo ông Lê Thanh Phong, tiếp tục phát huy hiệu quả của các mô hình sản xuất màu trong nhà lưới thích ứng BĐKH; trong tháng 6 và tháng 7, thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh, Hội được trên tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng thêm 10 nhà lưới kết hợp tưới phun sương (đầu tư 50 triệu đồng/nhà lưới). Sau khi các nhà lưới được lắp đặt hoàn thành, nông dân trồng màu, Hội sẽ tổ chức thành lập Tổ hội nghề nghiệp (cùng mục tiêu: trồng màu), khi đó, các thành viên trong tổ sẽ được các đơn vị liên kết bao tiêu sản phẩm xây dựng quy trình khép kín: triển khai lịch xuống giống, chủng loại màu theo từng mùa vụ; hỗ trợ, đầu tư vật tư nông nghiệp… Như vậy, nông dân sẽ an tâm sản xuất, không còn tình trạng ùn ứ sản lượng khi vào mùa vụ đông ken, dẫn đến “cung vượt cầu”.
Đặc biệt, đối phó với tình hình BĐKH, qua đó, khắc phục được tình trạng khô hạn, thiếu nước ngọt trong trồng màu thường xuyên diễn ra ở Ngũ Lạc, khi các hộ sản xuất màu đồng loạt bơm tát vào mùa khô, dẫn đến lượng nước ngầm bị hụt. Việc chuyển sang tưới phun sương trong nhà lưới và người trồng màu xây dựng ao đất (nền lót bạt nhựa) chứa nước, giúp nông dân tưới tiết kiệm nước và chủ động được lượng nước trữ trong ao.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.