20/12/2020 05:13
Tham quan mô hình nuôi cá chạch lấu tại gia đình hội viên Nguyễn Thị Phượng.
Tận dụng các diện tích mương vườn và ao hồ xung quanh nhà để phát triển nuôi thủy sản đang được Hội ND xã Ninh Thới vận động, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho ND áp dụng. Có thể nói, điển hình của mô hình “nông dân dạy nông dân” trong nuôi thủy sản đầu tiên ở Ninh Thới là hội viên Nguyễn Thị Phượng, ấp Rạch Đùi với mô hình nuôi cá chạch lấu. Dự kiến, sau khoảng 11-12 tháng nuôi, với 5.300 con giống cá chạch lấu, gia đình thu lời trên 150 triệu đồng.
Theo hội viên Nguyễn Thị Phượng: mô hình nuôi cá chạch lấu không đòi hỏi diện tích lớn, hình thức nuôi theo kiểu ao nổi có lót bạt ny-lông. Với 5.300 con giống được bố trí 02 ao nuôi (50m2/ao); hiện nay, do giá con giống còn khá cao (8.000 đồng/con) nên chi phí đầu tư con giống khá lớn cùng với đó, chi phí thức ăn cho 1.000 con cá/05 bao thức ăn (khoảng 2,7 triệu đồng). Để nuôi được cá chạch lấu, các ao phải đảm bảo mực nước từ 0,7-01m và nguồn nước được thay đổi liên tục hàng ngày theo hướng vào - ra (chiếm khoảng 30 - 40% lượng nước trong ao). Ngoài ra, trong các ao còn được lắp đặt hệ thống máy tạo ô-xy hoạt động 24/24.
Thông qua mô hình nuôi cá chạch lấu của gia đình hội viên Nguyễn Thị Phượng, nhiều hội viên ND trong xã đã đến học tập kinh nghiệm và tìm hiểu về mô hình nuôi theo phương thức “nông dân dạy nông dân”. Theo ông Tạ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ninh Thới (xã Ninh Thới): bản thân và một số thành viên đã trực tiếp đến tìm hiểu mô hình nuôi cá chạch lấu của chị Phượng. Do đây là mô hình khá mới, được gia đình chị Phượng sang tỉnh Tiền Giang tìm hiểu, học tập, mua con giống đem về nuôi. Gia đình rất nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ anh em về phương pháp, kỹ thuật nuôi, chăm sóc, xây dựng ao nuôi. Giá cá chạch lấu hiện ngoài thị trường khá cao (320.000 - 350.000 đồng/kg, loại 03-04 con/kg), điều kiện nuôi cá ở Ninh Thới khá phù hợp và thuận lợi do có nhiều mương vườn, ven Sông Hậu…
Ngoài định hướng các đối tượng nuôi thủy sản mới, địa phương còn nhân rộng và phát huy hiệu quả kinh tế vườn, đây là thế mạnh của ND Ninh Thới (trên 1.200ha vườn chuyên canh cây ăn trái); trong đó có hơn 200ha chuyên canh bưởi da xanh. Hội ND xã đã hỗ trợ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND của tỉnh, huyện để thực hiện đầu tư dự án chăm sóc, cải tạo vườn tạp cho hội viên ND ấp Trà Điêu, Rạch Đùi và dự án trồng mới bưởi da xanh (ấp Vàm Đình) với tổng số tiền 600 triệu đồng. Thông qua đó, Hội đã vận động xây dựng 17 tổ hội nghề nghiệp, có 154 thành viên cùng ngành nghề, cùng lĩnh vực tham gia; trong đó có 06/17 tổ xây dựng được mô hình góp vốn xoay vòng giúp nhau trong thành viên, với số tiền 112,52 triệu đồng; 08 tổ hợp tác kinh tế trồng bưởi da xanh, với 136 thành viên và 01 Hợp tác xã nông nghiệp Ninh Thới (chuyên về cây bưởi da xanh).
Cũng theo ông Đặng Bé Bảy, mô hình “nông dân dạy nông dân” được nhiều hội viên giúp nhau trong chuyển đổi đất vườn sang trồng mít Changgai. Qua đó, đã có gần 10ha mít của 20 hộ là hội viên tham gia trồng; do đây là cây trồng mới của vùng đất Ninh Thới, nên thông qua hiệu quả thực tế của gia đình hội viên và ND được trao đổi, học tập lẫn nhau để hỗ trợ kinh nghiệm và kiến thức trong sản xuất.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.