13/01/2020 09:53
Là huyện vùng sâu, có trên 62% đồng bào Khmer, thời điểm triển khai XDNTM, Trà Cú có xuất phát điểm thấp, là một trong những huyện nghèo của cả nước, đời sống kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Khi đó, việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp còn chậm, kinh tế tăng trưởng thiếu đồng bộ, thị trường hàng hóa nông sản, thủy sản không ổn định, sức cạnh tranh trên thị trường còn thấp. Bên cạnh, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao… Trong 10 năm thực hiện chương trình XDNTM, Trà Cú đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, diện mạo nông thôn không ngừng thay đổi, kết cấu hạ tầng được đầu tư, cảnh quan môi trường nông thôn được quan tâm chỉnh trang, nhà ở dân cư từng bước được nâng cấp, điều kiện sống của người dân được cải thiện đáng kể. Đến nay, huyện có 04/15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (Tân Sơn, Ngọc Biên, Đại An và Tập Sơn). Năm 2019, huyện tập trung hỗ trợ xã Lưu Nghiệp Anh và Định An được công nhận đạt chuẩn NTM và phấn đấu thêm xã Hàm Tân, riêng xã Tân Sơn tiếp tục củng cố, nâng chất các tiêu chí phấn đấu đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Cùng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng hạ tầng nông thôn trong 10 năm qua với tổng kinh phí huy động trên 3.223 tỷ đồng, các địa phương trong huyện đã vận động người dân hiến đất xây dựng hạ tầng cơ sở và nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực. Những công trình thủy lợi nội đồng, đê bao ngăn mặn, triều cường hay những tuyến giao thông liên xã, liên ấp đều có sự tham gia đóng góp của người dân với tổng kinh phí trên 145 tỷ đồng. Được biết, đến nay, toàn huyện có trên 229km đường nhựa, 293km đường đal nông thôn, 11/15 xã đạt tiêu chí giao thông. Từ đó, tạo nhiều thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế gia đình…
Ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú đánh giá: Tuy còn nhiều khó khăn nhưng Trà Cú rất quan tâm đầu tư hệ thống giao thông nông thôn, xem đây là tiền đề tạo sức bật cho phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo. Huyện tranh thủ nguồn vốn từ các chương trình, dự án, chính sách đặc thù… thực hiện các công trình giao thông, đến nay, các tuyến đường liên xã, liên ấp, đường ngõ xóm, nội đồng được cứng hóa khoảng 85%. Bên cạnh đầu tư hạ tầng, việc chuyển đổi đất kém hiệu quả, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả được đặc biệt quan tâm, giúp nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị đất sản xuất và nâng cao thu nhập bình quân đầu người của huyện. Cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 40,52 triệu đồng/năm, tăng 25,5 triệu đồng so với năm 2010, cho thấy sự nỗ lực lớn của huyện trong tập trung XDNTM, chăm lo đời sống nhân dân.
Nhiều nhà khang trang được xây dựng tại xã Tập Sơn, tạo diện mạo mới trong vùng nông thôn Trà Cú.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.