Hiện nay, một số hộ đang xử lý ao nuôi, chuẩn bị thả con giống.
Là xã cù lao của huyện Châu Thành, khi chưa có phong trào nuôi tôm nói riêng, các con nuôi thủy sản nói chung (trước năm 2013), đời sống của một bộ phận người dân của Hòa Minh khá khó khăn, thu nhập chủ yếu chỉ nhờ khai thác tôm, cá tự nhiên, sản xuất lúa với năng suất thấp lại bị ảnh hưởng của mặn xâm nhập.
Hòa Minh có 09 ấp, với 3.171 hộ, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, UBND xã đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất, phù hợp với con nuôi, tăng giá trị hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, phát triển kinh tế nông hộ, góp phần giảm hộ nghèo. Từ đó, trong năm 2019, diện tích nuôi thủy sản của xã đạt 1.153ha và vụ nuôi năm nay, đạt gần 2.000ha.
Với địa hình thuận lợi, sông, rạch nhiều, nằm trọn giữa sông Cổ Chiên, là điều kiện thuận lợi, giúp nông dân nuôi thủy sản. Mặt khác, điều kiện đất đai thuận lợi từng vùng nuôi, tạo cơ cấu con nuôi và hình thức nuôi đa dạng, phong phú. Ngoài một số vùng chuyên canh thủy sản, Hòa Minh còn có thế mạnh sản xuất cây lúa hữu cơ, gắn với nuôi thủy sản (tôm càng xanh). Nhằm khẳng định nuôi thủy sản là thế mạnh, xã đã xây dựng đề án chuyển đổi và đề ra chỉ tiêu phấn đấu đối với từng ấp. Từ đầu năm 2020 đến nay, Hòa Minh tiếp tục đón nhận những thuận lợi cơ bản, đáp ứng phong trào nuôi thủy sản: các công trình kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, tuyến đê bao tả hữu và các dự án xây dựng đã, đang triển khai tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông ngư nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng nông sản; các cơ sở, đại lý ngành hàng vật tư thủy sản phát triển mạnh trên địa bàn.
Để ngành thủy sản là thế mạnh của địa phương, hội đủ các điều kiện để phát triển bền vững, mùa thủy lợi năm nay, Hòa Minh được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện triển khai nạo vét, đào mới và tiếp nhận mặt bằng 09 tuyến kênh cấp III, 04 tuyến kênh cấp II; tổng chiều dài 126,3km. Đồng thời, củng cố kinh tế hợp tác và hợp tác xã, thành lập mới 02 tổ kinh tế hợp tác nuôi vọp, nuôi tôm thẻ chân trắng kết hợp trồng lúa hữu cơ, có 20 thành viên; nâng tổng số đến nay Hòa Minh có 35 tổ, với 720 thành viên; trong đó, có 19 tổ lĩnh vực lúa-tôm, 13 tổ lĩnh vực thủy sản. Đồng thời, tiếp tục hướng dẫn nông dân thực hiện lịch nuôi thủy sản, quan tâm đến mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp, tôm càng xanh; kiểm tra chất lượng vật tư ngành thủy sản, con giống, giá sản phẩm đầu ra, thông báo đến người dân. Đồng thời, theo dõi tình hình nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản như: tôm sú, cua biển, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh, khai thác tôm tép nuôi nhữ tự nhiên, quản lý chặt lịch thời vụ; phấn đấu năm 2020 đạt tổng sản lượng thủy sản theo chỉ tiêu trên giao. Tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả, mô hình “lúa hữu cơ”; triển khai, vận động hộ dân trồng lúa hữu cơ và khuyến cáo người dân tuân thủ lịch thời vụ sản xuất lúa thu đông - mùa, tiến hành cải tạo đất, liên hệ các cơ sở buôn bán giống lúa chất lượng cao, các vật tư nông nghiệp giúp nông dân có điều kiện thuận lợi trong vụ mùa. Kết hợp với Trạm Khuyến nông Khuyến ngư huyện Châu Thành giải ngân mô hình trồng lúa hướng hữu cơ kết hợp nuôi tôm thẻ chân trắng.
Ông Trần Trung Kha, Chủ tịch UBND xã Hòa Minh cho biết, kế hoạch năm 2020: phấn đấu chuyển đổi, phát triển nuôi thủy sản với hình thức đa dạng: tôm sú, thẻ chân trắng 350ha (nuôi công nghiệp), sản lượng dự kiến đạt 2.726 tấn, duy trì diện tích nuôi tôm - lúa, sản lượng khai thác thủy sản 412 tấn. Đặc biệt, tăng cường các hoạt động khuyến nông, phối hợp chuyển giao khoa học - kỹ thuật, nhân rộng mô hình, nhất là các mô hình lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm thẻ quảng canh cải tiến, nuôi tôm thẻ công nghiệp, nuôi tôm sú kết hợp nuôi cá rô phi trong vèo; tăng cường liên kết 04 nhà, vận dụng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, vận động thành lập tổ kinh tế hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp. Phát triển nuôi thủy sản vùng nước ngọt, nước lợ với những phương thức nuôi đa dạng, chọn đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, xác định con tôm sú, tôm thẻ, cua biển là đối tượng nuôi chủ lực, liên kết tìm thị trường tiêu thụ ổn định, tạo đột phá cho quá trình phát triển kinh tế địa phương. Sản xuất 02 vụ tôm kết hợp trồng lúa để đảm bảo môi trường. Tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh thủy lợi nội đồng đáp ứng nhu cầu đủ nước phục vụ cho đa dạng hóa sản xuất.
Quá trình thực hiện phương châm chuyển đổi có tập trung, phân kỳ và phù hợp, phát huy tối đa nguồn nội lực, đồng thời tranh thủ kêu gọi nguồn đầu tư, kết hợp chặt chẽ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, địa phương và của Nhân dân để thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông ngư nghiệp trên địa bàn xã bền vững.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Vụ nuôi đầu năm 2020, toàn xã có 671 hộ nuôi tôm thẻ công nghiệp 227,25ha, 205,42 triệu con giống; nuôi quảng canh có 252 hộ, 127,22ha, 30,01 triệu con. Tôm sú công nghiệp có 29 hộ, diện tích 10,15ha, 4,13 triệu con. Tôm sú quảng canh có 650 hộ, diện tích 330,65ha, 57,93 triệu con. Tôm càng xanh có 229 hộ, 125,35ha, 6,15 triệu con. Cua biển có 883 hộ, 424,55ha, 6,586 triệu con. Tổng sản lượng thủy sản trong 08 tháng đạt gàn 3.000 tấn, đạt gần 70% kế hoạch năm; trong đó, nuôi thủy sản hơn 2.000 tấn, đạt gần 60%; khai thác nội đồng gần 200 tấn, đạt 82,81%; khai thác biển hơn 300 tấn, đạt 72,81%. |