24/04/2023 06:13
Bà Kim Dương, ấp Bổn Thanh, xã Ngũ Lạc chăm sóc rẫy màu.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Châu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Duyên Hải cho biết: xác định XDNTM là trách nhiệm, đồng thời là nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong giai đoạn hiện nay. Trong chỉ đạo, Hội luôn bám sát định hướng XDNTM của tỉnh, của địa phương; triển khai thực hiện phải đảm bảo tính đồng bộ, có lộ trình phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng xã, ấp. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như kịp thời biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức tích cực tham gia đóng góp XDNTM tại các địa phương.
Để triển khai thực hiện hiệu quả phong trào XDNTM, Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân về chủ trương, chính sách, cách thức tiến hành các hoạt động. Từ đó, tăng cường tuyên truyền, vận động thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề, hội thi, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt chi, tổ hội,… đến nay, Hội phát triển mới và củng cố nâng chất 28 câu lạc bộ, tổ, nhóm xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; 74 câu lạc bộ, tổ, nhóm hoạt động lĩnh vực môi trường thu hút 1.235 phụ nữ tham gia; có 19/60 chi hội “5 không, 3 sạch”. Qua rà soát, hiện toàn huyện còn 198/8.666 hộ gia đình hội viên chưa đạt tiêu chí xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”.
Trong XDNTM, Hội chú trọng thực hiện tiêu chí môi trường nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Mô hình “ngôi nhà vì bạn, vì tôi - hạn chế rác thải nhựa gây quỹ nuôi heo đất” là một trong những mô hình được Hội LHPN huyện phát động và thực hiện có hiệu quả góp phần giảm thiểu việc sử dụng túi ni-lông, chai nhựa, tạo thói quen phân loại xử lý rác thải tại nguồn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt hàng ngày. Qua đó, đã xây dựng được 20 nhà tại 07/07 cơ sở hội và 13 trường học, vận động gây quỹ hỗ trợ 10 học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Trong năm 2022, Hội phát triển mới 01 câu lạc bộ “gia đình phụ nữ với 4 có: có sức khỏe, có đạo đức, có kiến thức, có trách nhiệm với gia đình và xã hội” tại xã Đôn Xuân; “câu lạc bộ gia đình phụ nữ 5 có: có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có nếp sống văn hóa, có kiến thức, có sức khỏe” xã Long Khánh; hỗ trợ xã Đôn Châu thực hiện tuyến đường mẫu, cấp phát 20 thùng rác, trồng 700 cây xanh. Thành lập 09 câu lạc bộ phân loại rác thải tại nguồn; mô hình thu gom phế liệu gây quỹ nuôi heo đất tại xã Ngũ Lạc, Đôn Châu và thị trấn Long Thành; mô hình đổi rác thải lấy nhu yếu phẩm ở xã Đôn Xuân; mô hình “khéo” trong XDNTM “một hội viên phụ nữ nhận chăm sóc 05 cây xanh” tại xã Long Vĩnh và Đôn Châu.
Tiêu biểu như gia đình bà Nguyễn Thị Hồng Duyên ở thị trấn Long Thành, huyện Duyên Hải là hội viên phụ nữ tích cực tham gia công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom, quản lý và phân loại rác tại nguồn gây quỹ nuôi heo đất giúp học sinh nghèo.
Bà Duyên cho biết: ngoài việc kinh doanh buôn bán nhỏ tại chợ thị trấn thúc đẩy kinh tế gia đình, bà tham gia quản lý phân loại rác tại nguồn của Hội phát động. Hàng tháng bà phân loại rác đem bán báo cáo về Hội LHPN thị trấn, từ số tiền này dùng để nuôi heo đất gây quỹ giúp học sinh nghèo tiếp tục đến trường. Ban đầu việc phân loại rác của các hội viên cũng như người dân trong chợ còn nhiều bất cập, việc thu gom, phân loại rác tại nguồn còn khó khăn. Sau khi Hội tổ chức tuyên truyền, vận động các chị em đã ý thức cao trong việc tham gia phân loại, xử lý rác thải nhựa, đặc biệt sau khi kết thúc phiên chợ, các tiểu thương đã tự giác phân loại rác và để đúng nơi quy định vừa góp phần giữ gìn vệ môi trường, vừa đóng góp biến rác thải nhựa thành tiền giúp mô hình “ngôi nhà vì bạn vì tôi” hoạt động ngày càng có hiệu quả.
Cùng với đó, các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững được các cấp Hội LHPN trong huyện quan tâm. Hàng năm Hội chỉ đạo các cơ sở Hội khảo sát, nắm tình hình, phân loại hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Hội tranh thủ hỗ trợ từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư vốn vay cho hơn 4.320 lượt hộ vay với tổng dư nợ trên 131 tỷ đồng.
Song song đó, Hội triển khai thực hiện có hiệu quả đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, trong 05 năm gần đây, đã hỗ trợ trên 5,2 tỷ đồng giúp cho 196 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp. Để đồng vốn có hiệu quả cao, hàng năm Hội phối hợp tổ chức lớp tập huấn, đào tạo nghề đan đát, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống, vật tư nông nghiệp giúp các chị em thực hiện những mô hình sinh kế hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm nhiều lao động nữ nông thôn.
Gia đình bà Kim Dương, ấp Bổn Thanh, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải từng là hộ hoàn cảnh khó khăn nay đã vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay của địa phương đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi đã tạo động lực, vươn lên ổn định cuộc sống.
Bà Dương cho biết: ngoài 0,2ha đất sản xuất, vợ chồng đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Với diện tích trên, hàng năm bà trồng ớt chỉ thiên, tận dụng đất cạnh bờ ruộng trồng rau cần và luân canh từ 02 - 03 vụ/năm, lợi nhuận bình quân đạt từ 10 - 15 triệu đồng/0,1ha/vụ. Tuy ít đất nhưng rồng xen vụ luân phiên trên cùng diện tích đất giúp cải thiện đất, hạn chế sâu bệnh, nâng cao năng suất và thu nhập.
Với cách làm hay và đổi mới nhiều hoạt động, Hội LHPN huyện đã triển khai thực hiện một số mô hình vệ sinh môi trường, phát triển kinh tế, tạo việc làm thông qua thực hiện có hiệu quả hùn vốn xoay vòng hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thu gom rác thải nhựa, xử lý rác tại nguồn, mô hình “ngôi nhà vì bạn, vì tôi”, phong trào xây dựng tuyến đường hoa được phát triển và nhân rộng,... Có thể thấy, những việc làm nhỏ nhưng nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, xây dựng gia đình văn hóa đến gia đình “5 không, 3 sạch”,... của phụ nữ đã góp phần xây dựng thành công huyện NTM.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Những năm trước đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú còn hạn chế, với tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, trong tiến trình XDNTM, cấp ủy, chính quyền quan tâm đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, trong đó, quan tâm đầu tư nguồn nước sạch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho người dân, từ đó tác động tích cực đến đời sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.